Lời Bác dạy thúc bách mỗi người làm tốt chức trách
Trong đợt sinh hoạt chuyên đề Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Sở LĐ-TB&XH càng thấm thía lời căn dặn của Bác bởi mỗi con người trong ngành dù cương vị, công việc có khác nhau, song cùng nhiệm vụ.
* LÊ HỮU TRÍ, Phó Bí thư Chi bộ 1: Những đức tính cần có của người đảng viên
Theo Bác, “Cần” có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai, lao động sáng tạo, có kế hoạch, năng suất cao.
Như vậy, trong công tác chuyên môn, mỗi cán bộ, đảng viên phải có kế hoạch, giờ nào việc nấy và bằng mọi cách phải duy trì thời gian biểu đã vạch ra. Chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tìm những biện pháp tối ưu để công việc được tiến hành nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất; không né tránh, đùn đẩy công việc.
“Kiệm” là tiết kiệm, không xa xỉ, lãng phí. Cán bộ lãnh đạo cơ quan phải có kế hoạch phân công công việc hợp lý để mọi người phát huy năng lực, sở trường; đồng thời tiết kiệm sức lao động, thời gian, làm tăng năng suất, hiệu quả công việc.
Trong công tác tài chính phải có kế hoạch sử dụng, chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả các nguồn kinh phí, góp phần tiết kiệm nguồn ngân sách Nhà nước và làm tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.
“Liêm” là liêm khiết, trong sạch, không tham lam… Liêm là đức tính bắt buộc phải có ở người cán bộ thanh tra. Trong công tác, người cán bộ thanh tra phải trong sạch, liêm khiết, không tham ô, không nhận hối lộ, không tham tiền tài, địa vị, không ham người khác tâng bốc mình, phải xem xét, xử lý vấn đề với tinh thần công tâm, khách quan.
Người cán bộ không “liêm” sẽ dẫn đến việc làm và lời nói không khách quan, làm cho lãnh đạo hiểu sai vấn đề, cấp dưới không tin cấp trên, cấp trên nhìn nhận, đánh giá không đúng về cấp dưới, dễ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ…
“Chính” là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn. Đối với cán bộ lãnh đạo, trong xem xét, xử lý công việc hàng ngày, việc tổ chức, đánh giá, nhận xét cấp dưới phải công tâm, khách quan, chính trực; không được vì tư lợi, tư ân, tư thù, tư oán mà đánh giá, xem xét không khách quan, chính xác một vấn đề, một con người.
Người cán bộ thanh tra phải cương quyết đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải và phát hiện, ngăn chặn những hành vi tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức quyền; không nịnh hót cấp trên, xem khinh cấp dưới; lên án những cái xấu, sai trái.
* NGUYỄN THANH THỦY, Bí thư Chi bộ 2: Hết lòng hết sức chăm lo cho đối tượng chính sách
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng, toàn dân: Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với trách nhiệm của cán bộ, công chức đang thực hiện chính sách người có công, chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng: Người làm công tác này thay mặt cho Đảng, Nhà nước thực hiện lời Bác căn dặn, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục vụ tốt đối tượng chính sách, suy nghĩ làm sao để giúp đỡ những người cần giúp, dù là thương binh hay thân nhân thương binh, gia đình liệt sĩ.
Điều quan trọng có lẽ không phải là trợ cấp một ít tiền hay một ít vật dụng, mặc dù đôi khi đó cũng là những thứ rất cần thiết, nhưng cái chính là phải tạo việc làm, đào tạo nghề để thương binh, thân nhân thương binh, gia đình liệt sĩ dần dần có thể “tự lực cánh sinh”. Đó là “cho cần câu” hơn là “cho xâu cá” như dân gian vẫn thường hay nói.
Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi người có công trong thời gian tới, toàn thể đảng viên Chi bộ 2 hứa quyết tâm thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra: Tập trung triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với người có công, chú trọng giải quyết những trường hợp còn tồn đọng. Nâng cao mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu.
Đến năm 2013, hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở đối với hộ người có công đang gặp khó khăn về nhà ở. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người có công và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh việc tu bổ nghĩa trang, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Có biện pháp khắc phục những tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách người có công.
* LÊ THỊ ÁNH HỒNG, Bí thư Chi bộ 3: Tận tâm, tận lực cảm hóa các đối tượng xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Toàn bộ những việc lớn của cách mạng, của xã hội đều gắn với con người. Người căn dặn Đảng và Nhà nước phải quan tâm đến mọi đối tượng trong xã hội, không quên bất cứ ai.
Học tập Di chúc của Người, chúng tôi xác định: Đối tượng xã hội là những người lầm lỡ, là nạn nhân cần được hỗ trợ; phòng ngừa là chính, cảm hóa, hỗ trợ, giúp họ hoàn lương là chủ yếu.
Để thực hiện lời dặn của Bác, là cán bộ, đảng viên công tác ở Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội, nhiệm vụ đặt ra cho chúng tôi là quan tâm tăng cường công tác giáo dục phẩm chất đạo đức, tuyên truyền ý thức pháp luật, giáo dục tinh thần trách nhiệm của công dân, giáo dục nếp sống văn minh, lịch sự phù hợp với yêu cầu chuẩn mực của xã hội để đối tượng xã hội có hướng thay đổi về chân - thiện - mỹ.
Tổ chức chăm lo về mặt y tế, giúp hồi phục sức khỏe, tham vấn về tâm lý để học viên biết cách phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; không phân biệt đối xử, kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS. Tạo điều kiện cho đối tượng xã hội học nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người hữu ích cho xã hội…
Muốn làm được điều đó, người cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội phải có tình thương yêu, thật sự gương mẫu, liêm chính trong công tác giáo dục, cảm hóa đối tượng và đặc biệt là không được nản chí.
NGUYÊN CHƯƠNG (lược ghi)