Lung linh tình thương qua mỗi công việc thường ngày
Vũ Thị Thanh Tâm đang chăm sóc cho 2 bé sơ sinh, còn Vũ Thị Tuyết Mai thì đang bơm từng ống sữa cho bà cụ bị tai biến đang nằm bất động và chị Lê Thị Tuyết Thanh thì đang cặm cụi cầm tay những học trò đặc biệt nắn nót viết từng con chữ.
Những hình ảnh ấy quả như tên gọi Trung tâm Công tác xã hội. Vừa vui vừa cảm thông hơn khi nhìn cách Tâm bồng bế, tưng tiu, kiên nhẫn dỗ cho các bé ăn từng muỗng cháo, không ai nghĩ Tâm là người chưa từng làm mẹ.
Chị Lê Thị Tuyết Thanh cặm cụi cầm tay đối tượng để giúp họ nắn nót viết từng con chữ. |
Ở trung tâm, các chị xưng với các bé là mẹ. Mẹ Tâm hồ hởi khoe: Lúc bé Lê Phương Nam mới đưa vào trung tâm chỉ được 1,8 kg, bây giờ bé đã được 9 kg rồi. Hồi bé Nam mới vào trung tâm, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nhiều lần bé bị ngộp sữa, người tím tái làm mẹ Tâm điếng hồn.
Ca đêm trực chỉ có một mình, cả 2 bé cùng thức giấc khóc đòi sữa, mẹ Tâm 2 tay ôm 2 bé dỗ mà muốn khóc theo. Tâm chia sẻ: Chăm sóc các bé rất khó, nhưng đã xem các bé như con của mình thì không còn khó nữa.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Lê Văn Chín chia sẻ: Đối với trẻ em, các mẹ ở trung tâm hết lòng chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương. Đến với trung tâm, mỗi em có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng có một điểm chung là sự bất hạnh. Có trường hợp trẻ em khi vào trung tâm chỉ được hơn 1 tuần tuổi, có cháu bị bại não, liệt, khuyết tật…
Xuất phát từ lòng thương yêu con trẻ, cán bộ, viên chức trung tâm cùng các nhà hảo tâm chung sức thắp lên tiếng cười và giữ lại tuổi thơ hồn nhiên nhằm bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho các em. Nhiều em khi trưởng thành ra khỏi trung tâm đã tìm được việc làm, lập gia đình và có cuộc sống ổn định, có em hiện là giáo viên của trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang… Đó là niềm vui, hạnh phúc giúp cho cán bộ, viên chức của trung tâm có thêm động lực để chăm sóc tốt hơn cho các đối tượng.
Tuyết Mai chia sẻ: Chăm sóc mỗi đối tượng đều có cái khó riêng. Với đối tượng tâm thần, mỗi khi chăm sóc họ dễ xảy ra rủi ro, vì mỗi lần lên cơn kích động, họ không kiểm soát được hành vi nên có thể đánh cả nhân viên.
Còn đối tượng người già thì hay buồn tủi, vì vậy phải hết sức nhẹ nhàng, tâm lý thì mới chăm sóc được. Nhiều cụ nằm bất động lâu ngày, lở loét, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp đỡ. Rồi khi các cụ nằm viện, nhân viên chăm sóc cũng phải túc trực ở bệnh viện với các cụ. Vì vậy, nhân viên chăm sóc cho đối tượng ở trung tâm mà không có cái tâm, không có trách nhiệm, không xem đối tượng là người thân của mình thì khó gắn bó được với công việc.
Cho nên, nhiều người vào làm được vài ngày rồi “một đi không trở lại”. Cụ Nguyễn Thị Tuyết đã vào trung tâm được 12 năm chia sẻ: Cụ có 1 người con, nhưng vì nỗi khổ tâm riêng nên cụ phải vào trung tâm nương tựa cho phần đời còn lại. Từ ngày vào trung tâm, cụ luôn được các nhân viên chăm sóc rất chu đáo, tận tình.
Cụ Tuyết rưng rưng: Con cái đôi khi còn làm cho cụ buồn phiền, còn 12 năm ở trung tâm, chưa có ai làm cho cụ buồn lòng. Không ruột rà, máu mủ mà các cháu nhân viên quan tâm, chăm sóc chu đáo như con cháu trong nhà, vì vậy cụ thương các nhân viên như con của mình.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Lê Văn Chín cho biết: Trung tâm hiện đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 251 đối tượng, trong đó có hơn 180 đối tượng là người tâm thần, nhiều đối tượng là người già, người tàn tật không tự phục vụ được. Đối tượng tâm thần có nhiều dạng như tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ, mất trí tuổi già, chấn thương sọ não…
Trong khi đó trung tâm hiện nay chỉ có 48 người. Vì vậy, cán bộ, nhân viên ở đây làm việc với tinh thần vượt khó, trách nhiệm cao, cùng với cái tâm luôn đồng cảm, thương yêu những mảnh đời bất hạnh đó là động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chăm sóc các bé rất khó, nhưng đã xem các bé như con của mình thì không còn khó nữa (ảnh trái). Chị Lê Thị Tuyết Thanh dạy đối tượng học (ảnh phải). |
Cụ thể như trường hợp của Nguyễn Thúy Hằng. Những ngày đầu khi mới đặt chân vào trung tâm, phải chăm sóc cho những đối tượng tâm thần, những bà cụ nằm liệt một chỗ, những đứa trẻ tàn tật… với những mùi đặc trưng khó chịu, Hằng chỉ muốn quay lưng bỏ việc.
Nhưng sau 1 tuần, rồi 2 tuần cố gắng, Hằng đã thay đổi suy nghĩ. Đó là khi Hằng nhìn thấy những nụ cười ngô nghê của các bệnh nhân tâm thần, những cái nắm tay mân mê của các cụ… đã khiến Hằng không nỡ rời bỏ trung tâm.
Những ngày Hằng ra ca, khi trở lại trung tâm, vừa mới vào tới cổng thì các đối tượng đã ôm chầm lấy Hằng, hôn lên tay cô vì họ mừng vui như lâu ngày được gặp lại người thân. Những cử chỉ ấy khiến cho nước mắt Hằng cứ trào ra. Hằng chia sẻ: “Phải thật sự có tâm, có lòng thì mới có thể gắn bó với nghề công tác xã hội này được, nếu không dễ nản lắm”.
Hỏi Tâm, Mai, Hằng… trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác dặn Đảng và Nhà nước phải quan tâm đến mọi đối tượng trong xã hội, không quên bất cứ ai, vì vậy việc tận tụy chăm sóc cho các đối tượng xã hội của các chị có phải là việc làm theo lời dặn của Bác trong Di chúc không?
Các chị bảo không dám nhận việc làm của mình là “làm theo” lời dặn của Bác, nhưng rõ ràng những suy nghĩ và hành động của các chị nói riêng và của cán bộ, viên chức Trung tâm Công tác xã hội nói chung là đang làm theo lời dặn của Bác trong Di chúc.
Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Lê Văn Chín cho biết: Để giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về việc học tập và làm theo Bác, đầu năm chi bộ yêu cầu cán bộ, đảng viên đăng ký làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của mình. Hàng tháng đều có tổ chức sinh hoạt các chuyên đề để cán bộ, đảng viên thảo luận, từ đó rút ra bài học cho bản thân trong việc làm theo Bác.
Chính vì vậy, từ khi thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức nâng lên rõ rệt. Mọi người tận tụy hơn, xem đối tượng như người thân của mình để phục vụ tốt hơn.
NGUYÊN CHƯƠNG