Thứ Hai, 05/11/2012, 10:29 (GMT+7)
.

Thao thức vì con nghêu giống giúp dân miền biển

Trước thực trạng nguồn nghêu giống chủ yếu lệ thuộc vào tự nhiên lại không ổn định, từ năm 2006 đến 2008 Trại Giống thủy sản Tân Thành bắt tay thực hiện quy trình sản xuất nghêu giống để chuyển giao cho nông dân. Đến năm 2009 trại giống bắt đầu sản xuất nghêu giống để cung cấp cho người nuôi nghêu thương phẩm.

Do việc sản xuất nghêu giống còn mới mẽ, nên việc xử lý nuôi tảo làm thức ăn, xử lý bệnh, ương ấu trùng nghêu… đều phải tự mày mò. Chính vì vậy, tỷ lệ sống của nghêu ấu trùng chỉ đạt 1,3%. Đó cũng là nỗi trăn trở của Trưởng trại Giống thủy sản Tân Thành Trần Văn Hai.

Cùng lúc ấy, Chi ủy Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh triển khai cho cán bộ, đảng viên, viên chức, lao động của đơn vị đăng ký phần việc làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị  03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Qua đó càng thôi thúc anh Trần Văn Hai quyết tâm thực hiện thành công quy trình sản xuất nghêu giống. Chính vì vậy, năm 2011 anh đăng ký làm theo Bác 3 nội dung, trong đó có việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất tại trại thông qua cải tiến khâu chăm sóc ấu trùng nghêu.

anh Trần Văn Hai quyết tâm thực hiện thành công quy trình sản xuất nghêu giống. Chính vì vậy, năm 2011 anh đăng ký làm theo Bác 3 nội dung, trong đó có việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất tại trại thông qua cải tiến khâu chăm sóc ấu trùng nghêu
Anh Trần Văn Hai đăng ký làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất thông qua cải tiến khâu chăm sóc ấu trùng nghêu.

Sau khi đăng ký, anh bắt tay thực hiện, mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất nghêu giống, từ giai đoạn ấu trùng nghêu cho đến giai đoạn nghêu giống đạt kích cỡ 2 đến 3 triệu con/kg. Anh tăng cường cung cấp thức ăn cho ấu trùng nghêu, đồng thời rút ngắn thời gian sống đáy của ấu trùng nghêu từ 30 - 35 ngày xuống còn 25 ngày.

Cụ thể, giai đoạn ấu trùng chữ D được cung cấp tảo đa dạng dần theo thời gian, với thể tích tảo sinh khối cung cấp cho ấu trùng là 40 lít tảo/m3; đồng thời tích cực thay nước 2 lần/ngày. Giai đoạn ấu trùng chuyển sang sống đáy (đỉnh vỏ lồi), thực hiện kéo dài thời gian cung cấp tảo sinh khối cho đến khi ấu trùng đạt 15 ngày tuổi.

Khi ấu trùng nghêu đạt 25 ngày tuổi thì chuyển từ bể ương trong nhà sang ao lót bạt ngoài trời. Kết quả đạt ngoài mong đợi, tỷ lệ nghêu giống từ cấp I lên cấp II thu được 40,42 triệu con và tỷ lệ sống 80,84%, đạt 404,2% kế hoạch.

Giá thành mỗi con nghêu giống đã hạ từ 12 đồng/con xuống còn 4 đồng/con, góp phần đáng kể trong tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, sản phẩm mang tính cạnh tranh hơn. Quan trọng hơn là vừa giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và từng bước tiến tới hoàn thiện quy trình sản xuất nghêu giống. Tổng doanh thu từ việc sản xuất nghêu giống trong năm 2011 của trại đạt 600 triệu đồng, lợi nhuận 440 triệu đồng.

Năm 2012, anh Trần Văn Hai đăng ký làm theo Bác: Hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, gắn với việc nuôi vỗ nghêu bố mẹ trong bể xi măng sau sinh sản lần thứ nhất. Anh giải thích về lý do chọn phần việc làm theo Bác: Quy trình kỹ thuật sản xuất nghêu giống ngày càng được hoàn thiện, nhưng nguồn nghêu bố mẹ chưa được chủ động, còn phụ thuộc vào điều kiện môi trường sinh thái của bãi nghêu, mùa vụ sinh sản…

Do đó, anh đăng ký làm theo Bác gắn với việc nâng cao hiệu quả công việc, cụ thể là nuôi vỗ nghêu bố mẹ trong bể xi măng sau sinh sản lần thứ nhất nhằm chủ động được đàn nghêu bố mẹ, phục vụ sinh sản là hết sức cần thiết.

Qua kết quả thực hiện nuôi vỗ nghêu bố mẹ sau sinh sản lần thứ nhất trong bể cho thấy: Nghêu bố mẹ sau khi sinh sản lần thứ nhất có thể nuôi tái phát dục trong bể xi măng hoặc bể composite để tham gia sinh sản lần 2, với tỷ lệ thành công khoảng 66%. Ấu trùng của nghêu bố mẹ sinh sản lần 2 so với lần 1 có tốc độ sinh trưởng, phát triển và tỷ lệ sống đến giai đoạn con giống cấp II đạt 20% là tương đương nhau.

Từ đó khẳng định, quy trình kỹ thuật sản xuất nghêu giống có thể thực hiện nuôi vỗ nghêu bố mẹ trong điều kiện nhân tạo và có thể tham gia sinh sản nhiều lần. Các cơ sở sản xuất nghêu giống có thể áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ nghêu bố mẹ trong điều kiện nhân tạo nhằm chủ động đàn nghêu bố mẹ trong sản xuất.

Quan trọng hơn, có thể chủ động tuyển chọn nghêu bố mẹ nuôi vỗ trong điều kiện nhân tạo trước thời điểm các bãi nghêu xảy ra dịch bệnh. Từ đó hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh từ nghêu mẹ sang nghêu giống, đáp ứng con giống tốt cho người nuôi nghêu thương phẩm.

Nói thì nghe đơn giản, nhưng để thực hiện thành công quy trình sản xuất nghêu giống, nhiều đêm anh Trần Văn Hai thức trắng để theo dõi từng sự thay đổi của ấu trùng nghêu, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp.

Hỏi anh tại sao lại chọn biển để gắn bó, trong khi bạn bè học cùng ngành, làm việc ở các công ty thủy sản, lương cao, lại ở các đô thị? Anh Trần Văn Hai cho biết, hồi sáp nhập Sở Thủy sản vào Sở NN&PTNT, anh em hỏi ý kiến Hai có muốn về làm việc ở Mỹ Tho để gần gia đình không (gia đình Hai ở Chợ Gạo)? Không cần suy nghĩ, anh bảo muốn ở lại với biển.

Hai giải thích: Anh muốn làm một việc gì đó để giúp cho bà con vùng biển. Dù không dám nhận việc mình ở lại với biển là học tập và làm theo Bác, nhưng rõ ràng cách nghĩ, cách làm của anh Trần Văn Hai chính là làm theo Bác rất cụ thể và thiết thực.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.