Thứ Hai, 21/01/2013, 12:20 (GMT+7)
.

Lấy chữ tâm cảm hóa người lầm lỗi

Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Lê Thị Ánh Hồng chia sẻ: Khắc ghi lời dặn của Bác trong Di chúc; đồng thời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương  đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, nhân viên của Trung tâm đã xem học viên như người thân của mình. Hiện Trung tâm có 231 học viên, trong đó chủ yếu là các đối tượng bị nghiện hút ma túy. Một số ít học viên đã mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao phổi…

Cán bộ Trung tâm luôn tạo môi trường hòa đồng nhằm giúp học viên cảm nhận Trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình, từ đó giúp họ nhận ra lỗi lầm của mình để phấn đấu trở thành người có ích. Có những học viên khi mới đưa vào Trung tâm đã quen với nếp sống “ngày ngủ, đêm thức”. Vì vậy các cán bộ của Trung tâm cũng thức trắng đêm cùng học viên để uốn nắn, giúp họ từ bỏ hẳn tật xấu. Tuy vất vả, nhưng khi thấy học viên vui vẻ, quyết tâm rèn luyện và đoạn tuyệt với ma túy thì dù “cực tới mấy, chúng tôi cũng không nề hà”

Cô giáo Kim Oanh hướng dẫn kỹ thuật may cho học viên.
Cô giáo Kim Oanh hướng dẫn kỹ thuật may cho học viên.

Để giúp học viên có thêm thu nhập, Trung tâm đã nhận gia công ghế cho một công ty ở bên ngoài. Các anh Đoàn Văn Vệ, Phạm Văn Ân… ngoài công tác quản lý, còn tận tình hướng dẫn các học viên từng bước đan được ghế mà không bị lỗi. Tuy nhiên, một số học viên không có hứng thú với công việc, phần vì do chán nản, phần do có chuyện buồn hoặc nhớ gia đình. Những lúc ấy, anh Vệ, anh Ân… lại ngồi thủ thỉ chia sẻ, hỏi han để động viên.

Cảm nhận được sự quan tâm của các cán bộ, nên các học viên đã chăm chỉ với công việc hơn. Gia công mỗi chiếc ghế (làm trong 2 ngày) được 40.000 đồng, nhiều học viên khi rời Trung tâm đã có một khoản tiền kha khá.

Nhiều người đã rơm rớm nước mắt khi cầm trên tay những đồng tiền do chính mình đã đổ mồ hôi và công sức để có được. Anh Hòa, một người nghiện ma túy nặng, được đưa vào Trung tâm đã 7 tháng, xúc động: “Trước đây, em chưa bao giờ nghĩ mình có thể tự làm ra nổi 1.000 đồng/ngày, vậy mà vào đây em làm được hơn thế và đã hiểu được giá trị của đồng tiền”.

Phần lớn những đối tượng vào Trung tâm là những người không có nghề nghiệp. Để học viên sau khi trở về với cuộc sống đời thường có được công việc ổn định, tránh tái nghiện, ngoài nhận gia công ghế, Trung tâm còn kết hợp với Trường Cao đẳng Nghề mở các lớp kỹ thuật cắt may cơ bản và lớp điện dân dụng.

Sau thời gian học từ 2 - 3 tháng, các học viên được cấp chứng chỉ nghề. Khi được về với gia đình, học viên nào có nhu cầu học tiếp sẽ được Trung tâm giới thiệu sang Trường Cao đẳng Nghề để học thêm. Cô giáo Đinh Thị Kim Oanh dạy cắt may cho những đối tượng đặc biệt thổ lộ: “Đến với các em không chỉ vì trách nhiệm mà còn là cái tâm của người làm nghề giáo. Nếu e ngại thì làm sao giúp các em hòa nhập được với cuộc sống!”.

Hàng ngày, các trường hợp học viên ốm đau đều được các y sĩ của Trung tâm chăm lo chu đáo. Trong suốt 12 năm gắn bó với Trung tâm, y sĩ Trần Mạnh Hùng không dám tin: ở một nơi thiếu thốn trang thiết bị y tế, khám lâm sàng chỉ bằng đôi tay và kinh nghiệm đã tích lũy bao năm, nhưng anh cùng đồng nghiệp đã điều trị, giáo dục cũng như cảm hóa thành công được hàng trăm đối tượng.

Làm việc tại đây, anh Hùng cũng như các y sĩ khác không chỉ đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm các bệnh xã hội, mà còn phải đối phó với diễn biến tâm lý bất ổn của người bệnh. Họ tự nghĩ ra đủ thứ trò để “hành hạ” cán bộ. Khi thì người này nói bị đau bụng, nhức đầu, sổ mũi; khi thì người kia bày “quái chiêu” nuốt dao lam, dây kẽm vào bụng… nhằm trốn không muốn đi làm. Thậm chí có người mới đưa vào, lên cơn nghiện không chịu nổi đã  tìm cách tự tử. Có người nhiễm HIV, chán nản, bất cần đời nên phá phách và không muốn dùng thuốc điều trị…Nhờ tình thương yêu chân thành mà học viên dù “cứng đầu” nhất cũng phải mềm lòng và nghe theo lời khuyên của cán bộ.

Anh Hùng nhớ lại: Điển hình gần đây nhất là trường hợp của H. Khi vào Trung tâm, H. nghiện ngập rồi bị phơi nhiễm HIV. Đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh thế kỷ nên H. rất tuyệt vọng, không muốn điều trị và càng không muốn ai quan tâm. Anh Hùng đã kiên trì tiếp cận H. để động viên, chăm sóc, cảm hóa. Sau một tháng, H. thấy mọi người ở Trung tâm quan tâm nên dần thay đổi thái độ, gặp riêng anh Hùng để xin được thăm khám. Hiện H. đang được hỗ trợ thuốc ARV để điều trị.

Ngoài thời gian thăm khám cho người bệnh, y sĩ Nguyễn Thành An (23 tuổi) hay chơi thể thao cùng các học viên và tìm gặp những đối tượng có HIV để động viên, chia sẻ. Hỏi An: Có nhiều y sĩ trẻ đến Trung tâm công tác được một thời gian rồi “một đi không trở lại”, còn An đã tự nguyện xin về, có nghịch lý không? An chia sẻ: Đối tượng tuy là những người nghiện ngập, mại dâm nhưng hơn hết họ vẫn là con người, cần tình thương yêu chân thành từ cộng đồng. Nếu mình đến với họ bằng cái tâm, biết đồng cảm, chia sẻ thì sẽ nhận được từ họ sự cố gắng vươn lên để sống tốt với đời.

Chia tay với cán bộ, nhân viên của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, nhưng những lời chia sẻ của chị Ánh Hồng vẫn còn vang mãi bên tai: “Chỉ cần học viên đoạn tuyệt với ma túy, mại dâm là phần thưởng vô giá đối với chúng tôi!”.

Mặc dù không cán bộ, nhân viên nào nhận mình đã và đang làm theo Bác, nhưng chính sự tận tụy trong việc chăm sóc, cảm hóa học viên của họ đã làm theo Bác một cách thiết thực.

PHẠM TỬ VĂN

.
.
.