Cựu chiến binh Phạm Văn Giao: Tuổi cao gương sáng
Dù đã được ông Nguyễn Văn Chương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa Đông (Tân Phước) kể rõ về hoàn cảnh gia đình cũng như những đóng góp của ông Phạm Văn Giao đối với xã nhà, song chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi trực tiếp đến thăm gia đình ông.
Hơn 75 tuổi, ông sống neo đơn trong căn nhà tình nghĩa khá cũ kỹ, hầu như không có vật gì đáng giá ngoài tấm Kỷ niệm chương cho người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày được đặt trân trọng trên bàn thờ Tổ quốc, cùng với di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham gia cách mạng từ năm 1960, hai năm sau ông không may lọt vào tay giặc, bọn chúng giam ông tại khám Chí Hòa, rồi sau đó đày ông ra Côn Đảo. Hơn 10 năm bị giam cầm dưới sự tra tấn dã man của giặc vẫn không thể làm lay chuyển ý chí chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1974, ông được trao trả, trở về địa phương thì người vợ trẻ cùng 3 đứa con thơ dại cũng không còn bởi nhiều năm trời ông biệt vô âm tín. Trở về với cuộc sống đời thường, với mức thương binh hạng 2, vượt qua khó khăn về sức khỏe, ông tiếp tục tham gia công tác tại Ban Công an xã Phú Mỹ. Năm 1990, ông Phạm Văn Giao về sinh sống tại ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông cho đến ngày nay.
Được Nhà nước cấp cho 5 ha đất hoang, ông tích cực lên liếp đầu tư trồng khoai mỡ, lúc rãnh rỗi thì nhổ bàng, đặt lờ bắt cá để cải thiện bữa ăn. Tuy nhiên, do thiếu vốn, lại thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt nên sản xuất kém hiệu quả, kinh tế gia đình luôn gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, với vai trò là tổ trưởng tổ nhân dân tự quản, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác vận động quần chúng.
Năm 2011, xã Tân Hòa Đông xây dựng khu ô bao để người dân an tâm trồng khóm, phát triển kinh tế; ông không đắn đo tự nguyện hiến 8.400m2 đất, trị giá 210 triệu đồng. Với ông, đây là số tiền lớn không thể tưởng, cả cuộc đời ông chưa một lần cầm đến. Thế nhưng, đây cũng là cơ hội, là mong muốn và là cách thiết thực để người hội viên cựu chiến binh này làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Với ý nghĩ: “Đảng, Bác Hồ đã cho mình cuộc sống độc lập, tự do. Đất mình đang sống cũng là đất của Nhà nước. Nay, Nhà nước cần thì mình nhường lại. Xây dựng ô bao trồng khóm cũng là việc làm có ý nghĩa đối với xã hội”…
Anh Phạm Văn Son, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Tân Hòa Đông là một xã nghèo, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, những chủ trương xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp cũng như từ chính người dân. Những tấm gương tự nguyện hiến đất như ông Phạm Văn Giao đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và dựng xây quê hương ngày thêm giàu đẹp.
THANH LUÔNG