Thứ Tư, 27/03/2013, 05:22 (GMT+7)
.

Cái tâm của nhà giáo dạy trẻ khuyết tật hòa nhập

Qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong công tác chuyên môn, kiên nhẫn hơn, tận tụy hơn… để hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng.

x
Những hình ảnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác thường ngày của các cô giáo tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (tiền thân là Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh) hiện đang nhận giáo dục hòa nhập 47 trẻ khuyết tật. Do đội ngũ giáo viên của Trung tâm chỉ có 9 người, nên mỗi giáo viên phải nhận dạy từ 5 đến 6 trẻ.

Khi chúng tôi đến, bé Trần Hoàng Long nằm xoãi người dưới sàn nhà, được cô Nguyễn Thị Phụng cố thuyết phục bé tự chống tay ngồi dậy để ngồi vào bàn học. Khi bé đã chịu ngồi dậy, cô Phụng kiên nhẫn dạy cho bé tương tác với các món đồ chơi thông dụng, mà lẽ ra ở tuổi của Long (7 tuổi) đã tự chơi, không cần người lớn hướng dẫn.

Cô Phụng cho biết: Hồi mới vào học, Long gần như không có nhận thức. Cô Phụng đã kiên trì suốt 3 năm qua để dạy Long biết chào người lớn, tự mang giày dép, đội nón, cởi áo khoác, tiếp xúc đồ chơi, nhận biết con vật và một số đồ vật thông dụng như bàn, ghế…

Cô Bùi Thị Diện thì kiên nhẫn dạy bé Nguyễn Châu Ngọc Nhi (10 tuổi, mắc chứng tự kỷ) nhận biết các con số và làm các phép tính cộng, trừ đơn giản thông qua các mô hình nhiều màu sắc bắt mắt. Cô Diện đang dạy cho 5 trẻ bị tự kỷ, trong đó có 4 trẻ 6 tuổi.

Còn cô Ngô Thị Phương Linh thì cố gợi ý cho bé Võ Thanh Thúy (khiếm thị) nhận dạng các hình khối. Bé Thúy năm nay đã 5 tuổi mà còn khờ khạo và nhút nhát. Với trẻ bình thường, việc nhận dạng hình vuông, hình tròn là việc rất đơn giản, nhưng với Thúy, cô giáo phải gợi ý đi gợi ý lại nhiều lần mà bé vẫn cứ… vô tư, không trả lời.

Thầy Võ Văn Lê, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật chia sẻ: Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi giáo viên phải có cái tâm yêu thương trẻ, kiên nhẫn, tận tụy thì mới gắn bó với nghề được. Có bé rất hiếu động, đôi khi giáo viên chưa hiểu được nhu cầu, bé lập tức nổi nóng xô ngã giáo viên. Vì vậy, có người khi về công tác ở Trung tâm chỉ một thời gian thì xin chuyển công tác sang các trường phổ thông.

Thầy Lê tâm tư: Một giáo viên phải phụ trách dạy 5 đến 6 trẻ khuyết tật như hiện nay là quá tải trầm trọng, nhưng do biên chế của Trung tâm ít, trong khi nhu cầu của phụ huynh lại cao, nên các thầy cô giáo của Trung tâm động viên với nhau phải cố gắng.

Khi mới về nhận công tác “đặc thù” này, thầy cô giáo ai cũng lo lắng, vì dạy trẻ khuyết tật là điều không phải dễ dàng. Cô Diện chia sẻ: Lúc trước cô dạy phổ thông, từ năm 2001 chuyển qua công tác giáo dục trẻ hòa nhập. Trẻ tự kỷ thường bị mất ngôn ngữ, mất tập trung và chỉ thích làm theo ý của mình. Nếu người lớn không hiểu được nhu cầu, các bé sẽ tự hủy hoại mình như đập đầu, cắn tay… Vì vậy, để cập nhật kiến thức, ngoài tham dự các lớp tập huấn, cô còn phải tìm sách, báo rồi lên mạng Internet để đọc, nghiên cứu về bệnh tự kỷ.

Còn cô Phụng, trước kia cũng dạy phổ thông, đến năm 2007 chuyển công tác về Trung tâm. Khi mới về Trung tâm, ngoài tham dự các lớp tập huấn về phương pháp dạy trẻ khuyết tật, Phụng tự mày mò học ngôn ngữ ký hiệu từ sách để có thể dạy trẻ khiếm thính. Đến khi trẻ mất ngôn ngữ bập bẹ gọi được tiếng cha, mẹ và mỗi tiến bộ dù nhỏ của các em cũng khiến cho người giáo viên dạy trẻ khuyết tật hòa nhập cảm thấy vui sướng vô cùng.

Chị Trần Thị Thu Tuyết, phụ huynh của bé Trần Thị Bình An chia sẻ: Cháu Bình An chậm phát triển, hơn 4 tuổi mà chưa thể đi được. Niềm hy vọng về một đứa con khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác cứ tắt lịm dần. Tuy nhiên, khi đưa bé vào Trung tâm, bằng tấm lòng yêu thương trẻ, sự tận tâm, nhẫn nại của thầy cô giáo, cháu Bình An đã tiến bộ rất nhiều, biết nhờ cha mẹ, thầy cô khi có những nhu cầu cá nhân; biết tỏ thái độ với những gì mình quan tâm; biết vâng lời và lễ phép với người lớn… Niềm hy vọng của gia đình được nhen nhóm.

Chị Tuyết cảm kích: “Xin chân thành cảm ơn tất cả thầy cô ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đã đem cả tấm lòng nhân ái, yêu thương của mình đến với con tôi cũng như các trẻ kém may mắn khác!”. 

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Trần Văn Đáng cho biết: Ngoài giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm, đội ngũ giáo viên còn hỗ trợ can thiệp sớm tại gia đình trẻ và hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại địa bàn, nhằm giúp cho giáo viên nắm các phương pháp, kỹ năng giảng dạy từng dạng tật.

Giáo viên của Trung tâm còn hướng dẫn các trường tiểu học và mầm non trong tỉnh xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục hòa nhập cho phù hợp với khả năng, nhu cầu của trẻ khuyết tật. Ngoài ra, giáo viên của Trung tâm còn đến các trường mầm non, tiểu học trong tỉnh để dự giờ, trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm về tiết dạy, nhằm giúp giáo viên phổ thông nâng cao kỹ năng giáo dục hòa nhập.

Với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”, trong năm 2012 thầy cô giáo của Trung tâm đã tích cực giúp 1.926 lượt trẻ đến Trung tâm để can thiệp sớm và hỗ trợ hòa nhập tại địa bàn 172 lượt, với 169 trẻ được trực tiếp hỗ trợ. Thầy Võ Văn Lê tâm tư: Hiện nay, đa số trẻ được giáo dục hòa nhập tại Trung tâm sống trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Trẻ khuyết tật ở các huyện, thị vì nhiều lý do nên chưa được can thiệp giáo dục hòa nhập sớm, vì vậy các em chịu rất nhiều thiệt thòi.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.