Ông Mai Văn Chánh: Cần gần dân, lắng nghe ý kiến của dân
Sinh năm 1960, tham gia cách mạng năm 1982, ông Mai Văn Chánh từng đảm nhiệm nhiều chức vụ ở xã, trong đó có hơn 10 năm làm Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bình (2003-2013), huyện Gò Công Tây.
Để làm tròn trách nhiệm “là công bộc của dân” ông Mai Văn Chánh khẳng định một câu chắc nịch rằng: “Làm lãnh đạo cần gần dân, lắng nghe ý kiến của dân”.
Để chứng minh, ông đưa ra hàng loạt chuyện từ nhỏ đến lớn, nếu không có ý kiến đóng góp, không được sự đồng tình giúp đỡ của nhân dân thì “lãnh đạo khó lòng mà thực hiện”.
Cụ thể: Để xây dựng thị trấn Vĩnh Bình trở thành Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện thì cần phải mở rộng địa giới, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, xây dựng hạ tầng cơ sở, mở rộng các tuyến đường giao thông, mở rộng tri thức, nâng cao dân trí... Mà mỗi việc, mỗi đụng chạm đến quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân và cần được sự đồng tình, giúp đỡ của nhân dân.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập huyện và nhớ lại quảng thời gian lên làm Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bình, ông Mai Văn Chánh bộc bạch: Muốn phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hạ tầng cơ sở, phát triển cầu, đường giao thông nông thôn cần có nguồn vốn, mặt bằng. Chủ trương của trên là vậy, Nghị quyết của Đảng bộ là vậy nhưng khi đi vào thực hiện, nguồn vốn gặp khó khăn, kinh phí đền bù, giải tỏa hạn hẹp, nếu không nhờ sự giúp đỡ của nhân dân thì làm sao thực hiện được.
Mà muốn nhờ dân thì phải gần gũi nhân dân, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân mới thực hiện được các công trình theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, do điều kiện phát triển của xã hội qua từng thời kỳ, từng thời điểm lịch sử, nên không thể tránh khỏi những thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của công dân. Để giải quyết được những vấn này, không thể không gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, bởi vì nhân dân là những chứng nhân của lịch sử.
Nhận thức vấn đề một cách sâu sắc nên từ khi làm Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bình, ông luôn thể hiện quan điểm gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Chính vì vậy nên ông luôn được nhân dân tin yêu, nhiệt tình giúp đỡ. Từ đó, mọi công việc do chính quyền triển khai đều được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đồng thuận và tham gia tích cực.
Nói về những công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Chánh cho biết: Trên địa bàn thị trấn có khoảng 100 công trình được thực hiện theo phương châm này, nếu không gần dân để lắng nghe ý kiến và vận động nhân dân cùng làm thì không thể thực hiện được.
Gần dân chính là để thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Tôi rất tâm đắc lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ghi sâu lời dạy của Người, bản thân tôi đã từng trực tiếp đi vận động hàng trăm hộ dân hiến 7.000m2 đất để xây dựng các tuyến đường như lộ Sabe, tuyến đường 15A, tuyến kinh An Thạnh Thủy.
Biết dựa vào dân nên trong thời gian qua các phong trào thi đua do thị trấn phát động đều được nhân dân hưởng ứng. Vì vậy, Vĩnh Bình luôn là lá cờ đầu của huyện, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất - Nhì - Ba. Trong thành tích đó, có sự đóng góp không nhỏ cả về công sức, trí tuệ của ông Chủ tịch UBND thị trấn.
Tận tâm, tận tụy với công việc, luôn gần dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân nên 10 năm làm Chủ tịch UBND thị trấn là 10 năm liên tục ông Mai Văn Chánh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2010 và Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012.
ANH ĐẬU