PGS-TS. Tạ Văn Trầm: Học tập Bác từ những việc làm gần gũi thiết thực
Tạ Văn Trầm vốn là một bác sĩ nhi khoa mát tay vui tính. Ngoài khả năng chuyên môn, anh còn được biết là một bác sĩ có tấm lòng, một con người của công việc. Bởi ngoài công tác tại bệnh viện, anh còn là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, giảng viên thỉnh giảng của các trường đại học và tham gia nhiều công tác đoàn thể, xã hội khác. Công việc nào anh cũng làm với tất cả lòng nhiệt huyết của thời trai trẻ. Anh bảo: Mình học tập ở Bác tính đam mê công việc và hòa đồng gần gũi với mọi người.
TS. Tạ Văn Trầm trong buổi lễ phong hàm Phó Giáo sư tại Quốc tử giám - Hà Nội. |
Tôi biết đến anh từ những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ trước, khi ấy anh chỉ mới là Phó Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, nhưng rất "nổi" trong các phong trào Đoàn, nhiệt tình trong các hoạt động thanh niên tình nguyện, các công tác vì cộng đồng, khám bệnh từ thiện, tư vấn sức khỏe cho bà con vùng sâu vùng xa.
Trẻ trung, vui tính, anh luôn thổi cái chất Đoàn đầy nhiệt huyết vào giới trẻ qua những buổi thuyết trình vận động thanh niên, sinh viên hiến máu nhân đạo, các buổi nói chuyện về HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên,... Và tất cả những công việc tưởng như "bên lề" ấy đã rèn giũa cho anh một khả năng ăn nói, cùng niềm đam mê công tác giảng dạy - một trong những nguyên do đưa anh bén duyên với ngành sư phạm.
Bẵng đi một thời gian, nghe tin anh bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh để trở thành Tiến sĩ Y khoa đầu tiên của tỉnh (2004); rồi được tín nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế Tiền Giang (nay là Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang). Quả là con người đa đoan, tham việc. Tôi tự hỏi không biết thời gian và sức lực ở đâu để anh có thể hoàn thành công việc trên nhiều lĩnh vực như thế?
Anh chia sẻ: Do hoạt động Đoàn từ nhỏ, nên đã rèn cho mình kỹ năng trình bày, thuyết phục, giải quyết một vấn đề nào đó - điều này hỗ trợ cho anh nhiều trong công tác quản lý và giảng dạy hiện nay. Riêng với cương vị cán bộ giảng dạy, trong môi trường sư phạm đào tạo cán bộ y tế thì anh cho rằng có nhiều thuận lợi, bởi từ năm 1989 anh đã kiêm nhiệm giảng dạy tại Trường Trung học Y tế, nên khá quen với công việc, môi trường sư phạm, bản thân cũng rất quan tâm đến giáo dục, thích hoạt động đội nhóm và được anh em ủng hộ, vấn đề còn lại là sắp xếp thời gian sao cho hợp lý.
Với chức trách là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, từ năm 2007 đến nay, dưới sự quản lý và điều hành của anh, cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ viên chức, nhà trường đã mở hơn 140 lớp với gần 5.200 học sinh, sinh viên từ bậc sơ cấp đến bậc cao đẳng.
Tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp đạt từ khá, giỏi trở lên chiếm trên 70 % và tìm được việc ở các cơ sở y tế trên khắp mọi miền đất nước, gồm các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên y học, Dược sĩ, Dược tá, Y sĩ, nhân viên xoa bóp, đào tạo lại, đào tạo liên tục, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng y học cho cán bộ y tế theo các chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và liên kết với các trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh để đào tạo Bác sĩ đa khoa cho các tỉnh khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên.
Với chức trách là một người thầy: mặc dù "làm lãnh đạo", nhưng cũng như bao giáo viên khác của trường, hàng tuần anh đều có tiết giảng trên lớp. Với anh, học tập theo tấm gương đạo đức của Bác chính là việc làm tốt, hiệu quả công việc hằng ngày của mình. Người thầy cần phải có sự bao dung, chấp nhận ý kiến phản biện để tìm ra sự thật đi đến chân lý; nếu độc đoán, cố chấp không thể thành nhà khoa học, phải linh động và chấp nhận sự khác biệt.
Luôn lắng nghe cộng sự, cấp dưới, lắng nghe bệnh nhân để tạo sự tiếp xúc kết nối tốt và anh luôn xác định, nghề dạy học luôn là một trong những nghề cao quý nhất, đồng thời cũng là một nghề mang trọng trách lớn đối với xã hội.
Ngoài ra, anh còn là giảng viên thỉnh giảng của các trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Cần Thơ, là người hướng dẫn khoa học cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh y dược và tham gia nhiều công tác đoàn thể, xã hội khác… với anh, công việc nào anh cũng làm với tất cả lòng nhiệt huyết và đầy trách nhiệm.
Riêng ở lĩnh vực quản lý tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang với cương vị là Phó giám đốc thì rõ ràng là phải có nhiều tâm huyết mới có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, ngoài điều hành chung, anh còn tham gia trực tham vấn nhi, tổ chức các lớp tập huấn cho bác sĩ, điều dưỡng về công tác chuyên môn, tham gia trả lời qua đường dây nóng của các bệnh viện tuyến dưới về những ca bệnh nặng và đặc biệt tham gia cải tiến dần quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Anh tâm sự: "Tất cả chỉ vì lòng yêu nghề, ngay từ nhỏ tôi đã mê nghề y, vì thế những công việc gì liên quan đến chuyên môn y khoa tôi đều cố gắng và tham gia giảng dạy cũng xuất phát từ tình yêu ấy. Ngoài ra, học tập theo lời Bác dạy “"Phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, Lương y như từ mẫu” tôi cố gắng làm mọi cách để doa dịu nỗi đau của người bệnh bằng tất cả tấm lòng của mình.
Tôi học ở Bác tính tự giác, phân bố thời gian sao cho hợp lý để có thể làm được nhiều việc hơn cho cộng đồng. Hiện tại, buổi sáng tôi ở bệnh viện, chiều giải quyết công việc ở trường; còn lịch giảng dạy ở các trường đại học thì có trước, nên mình chủ động sắp xếp thời gian. Để có được như ngày hôm nay, tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo Sở Y tế, Ban Giám đốc bệnh viện cùng anh em đồng nghiệp. Vì thế có thể chia sẻ, làm được điều gì có ích cho cộng đồng, xã hội là mình luôn cố gắng!".
Nói về cuộc vận động lớn của Bộ Chính trị, bác sĩ Trầm chia sẻ: Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, mọi người chúng ta cần phải không ngừng học tập theo đạo đức và lối sống của Bác. Mỗi đơn vị, cá nhân cần đưa ra những chương trình hành động, những ý tưởng, sáng kiến làm theo lời Bác gắn với chất lượng, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị. Sinh thời Bác Hồ thường nói: “Một tấm gương sáng còn hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Nếu chúng ta không biết gom góp ý kiến, kinh nghiệm của tập thể, chúng ta dễ đưa ra những ý kiến của chúng ta thành những lý luận suông, không hợp với thực tế.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong sinh hoạt, học tập, lao động, trong các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội, từ quan hệ bạn bè, đồng chí, anh em đến quan hệ tập thể, giữa cấp trên với cấp dưới, với Đảng, với nhân dân, phải biết khen ngợi, động viên mọi người trong đơn vị làm tốt công việc… đó mới chính là điều ý nghĩa nhất thể hiện sự biết ơn và lòng ngưỡng mộ vô hạn của mình đối với tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác.
Như vậy với PGS-TS. Tạ Văn Trầm, ba lĩnh vực: y tế, giáo dục và công tác xã hội đã hòa quyện vào anh như là hơi thở của cuộc sống và việc phấn đấu để được phong hàm Phó Giáo sư, chức danh Phó Giáo sư đầu tiên của tỉnh Tiền Giang như là kết quả tất yếu cho lòng mê nghề, ham học hỏi và cả tính ...đa đoan với công việc của anh. Nói như anh: Học tập Bác bằng những việc làm thiết thực, gần gũi với mình.
Đến nay, PGS-TS Tạ Văn Trầm cùng với đồng nghiệp thực hiện 84 đề tài nghiên cứu khoa học được báo cáo trong các hội nghị khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước, đăng trong các tạp chí y học, làm chủ nhiệm 47 đề tài khoa học cấp cơ sở đã được nghiệm thu, tham gia 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, tham gia 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đã được nghiệm thu, chủ nhiệm 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu đạt loại A và đưa vào áp dụng có hiệu quả. Anh được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng 02 Bằng Lao động sáng tạo, Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2008, Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2011. Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, bản thân anh cũng vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. |
DUY SƠN