3 điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác
“Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở huyện Cai Lậy đã có sức lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi điển hình là một câu chuyện thực tế đưa lời Bác dạy vào cuộc sống, luôn tận tâm với công việc, sâu sát, gần gũi, chăm lo tốt đời sống người dân, có những đóng góp tích cực cho xã hội. Xin giới thiệu 3 điển hình tiên tiến vừa được UBND huyện Cai Lậy tuyên dương.
Vì sự nghiệp “trăm năm trồng người”:
Gần ba mươi năm gắn bó với nghề giáo, khi về hưu, bà Ngô Ngọc Tuyết vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho học trò. Với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Hội, bà đã có nhiều đóng góp để duy trì và phát triển phong trào khuyến học của xã.
Là giáo viên trường Tiểu học Tân Hội từ lúc mái trường nông thôn này còn thô sơ, lụp xụp đến khi cơ sở vật chất khang trang, kiên cố hơn, bà đã chứng kiến nhiều học trò vì hoàn cảnh khó khăn phải dở dang việc học.
Những lần đứng trên bục giảng, nhìn xuống lớp học trống một chỗ ngồi, bà lại rai rứt không yên trước ánh mắt trẻ thơ khát khao con chữ. Tình cảm đó thôi thúc bà Tuyết khi về hưu đã tình nguyện gắn bó với công tác khuyến học.
Bà chia sẻ: “Mỗi học sinh nghèo mà tôi gặp là một hoàn cảnh, một số phận chưa vui nên con đường đến trường của các em cũng hết sức gian nan, các em để lại trong tôi những câu chuyện “vượt khó” không thể nào quên và cho tôi động lực để gắn bó với công việc”.
Trong ba năm qua, hàng trăm học sinh nghèo xã Tân Hội đã được hỗ trợ tập, sách, học bổng… để tiếp tục ước mơ con chữ, trị giá trên 63 triệu đồng thông qua sự vận động của bà Tuyết. Không chỉ vậy, với vai trò thành viên Ủy ban MTTQ xã Tân Hội, bà còn vận động hàng trăm suất quà, kinh phí hơn 100 triệu đồng cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Đến với công tác khuyến học với cái tâm của nhà giáo đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp “trồng người”, bà Ngô Ngọc Tuyết luôn được đồng nghiệp tôn trọng, học sinh quý mến.
Trưởng Ban công tác mặt trận “dân vận khéo”
Là quê hương của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thái Thị Kim Hồng, cũng là ấp đầu tiên của tỉnh Tiền Giang ra mắt ấp văn hóa, 15 năm qua, ấp Phú Hòa (xã Long Khánh) luôn là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Là Trưởng Ban công tác mặt trận ấp Phú Hòa, 13 năm qua với sự nhiệt tình, cách vận động thuyết phục và sự gần gũi, anh Đặng Văn Khánh đã có những đóng góp không nhỏ để ấp được giữ vững danh hiệu ấp văn hóa.
Ở ấp Phú Hòa, việc người dân cùng chính quyền địa phương góp sức xây dựng giao thông nông thôn đã trở thành việc làm thường xuyên. Công trình nào anh Khánh cũng tổ chức họp dân lấy ý kiến, công khai kinh phí và thực hiện theo nguyên tắc: Cán bộ, đảng viên nêu gương, sau đó nhân rộng ra các hộ gia đình.
Chỉ tính ba năm gần đây, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân ấp Phú Hoà đã đóng góp hàng trăm ngày công và trên 200 triệu đồng xây dựng, nâng cấp 5 công trình cầu, đường giao thông, khai thông dòng chảy các tuyến kinh nội đồng, xây dựng trụ sở ấp văn hóa, 7 cổng rào phòng, chống tội phạm để bảo vệ an ninh trật tự xóm, ấp.
Thành công lớn nhất mà anh Khánh và các thành viên trong Ban Công tác mặt trận ấp Phú Hòa gầy dựng còn là vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2007 đến nay, diện tích vườn chuyên canh phát triển nhanh chóng với các loại cây trồng có giá trị kinh tế như sầu riêng, bưởi da xanh ...
Thu nhập người dân được nâng cao, số hộ nghèo giảm còn 4,2%. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hộ dân trong ấp còn phát huy tinh thần đoàn kết qua việc hỗ trợ nhau kỹ thuật, vốn không tính lãi.
Trong công tác vận động, anh Khánh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mình phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng hăng hái. Cán bộ được dân tin, dân phục, dân yêu thì làm việc gì cũng thành công”.
Đảng viên đi trước…
Nếu trước năm 2000, đường giao thông ở xã Mỹ Long còn lầy lội, cầu khỉ chông chênh thì giờ đây nối liền các ấp là những con đường nhựa, đường dal, cầu bêtông kiên cố. Kết quả này ngoài nỗ lực của chính quyền xã, còn là sự đồng lòng, góp sức của người dân.
Năm 2012, đường liên ấp Mỹ Phú là tuyến đường đầu tiên của xã được mở rộng theo chuẩn nông thôn mới, các hộ dân hai bên đường đã tự nguyện hiến 5.000 m2 đất để công trình hoàn thành đúng kết cấu ngang 4m, dài 2.400m. Thành công này một phần nhờ vào những “đảng viên đi trước” của Chi bộ ấp Mỹ Phú, trong đó có ông Nguyễn Văn Mỹ, cán bộ hưu trí.
Trước đây, ông Mỹ đã hiến 160m2 đất trước nhà để thi công đường tỉnh nối xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) với xã Bàn Long (huyện Châu Thành). Gắn bó cả đời với vùng quê nghèo khó, từng là Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long hai nhiệm kỳ, ông Mỹ thấy rõ những thuận lợi cơ bản khi đường sá thông thoáng: Việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa sẽ thuận tiện hơn, đời sống người dân rồi đây sẽ khởi sắc.
Vì vậy khi được Chi bộ ấp phân công kêu gọi người dân hiến đất và cây trái để giải phóng mặt bằng, mở rộng đường liên ấp Mỹ Phú, ông Mỹ đã gặp trực tiếp từng cá nhân chưa đồng tình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng rồi phân tích lợi ích của công trình. Với uy tín và cách vận động thuyết phục, ông cùng các đảng viên khác đã vận động thành công. Đầu năm 2013, một nửa tuyến đường được đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân.
Đã bước sang tuổi “thất thập” nhưng người đảng viên 30 năm tuổi Đảng này vẫn giàu nhiệt tình đóng góp cho quê hương.
TRƯỜNG GIANG