Trường ĐH Tiền Giang: Học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm
Thế nào là “Kiệm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh? Học tập và làm theo Bác, bản thân và đơn vị đồng chí đã có những chủ trương, giải pháp gì để thực hiện theo phẩm chất “Kiệm” của Bác?... Những câu hỏi trên đã được các sinh viên cùng cán bộ, viên chức của trường trả lời trong các bài thuyết trình, được trình bày tại Vòng chung kết “Hội thi viên chức, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang học tập và làm theo lời Bác” lần thứ 4 - năm 2014.
Bác Hồ đã đưa ra cách hiểu đối với khái niệm tiết kiệm như sau: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem tiền như cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm chủ yếu là để giúp tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo khoa học, tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”.
Tinh thần của khái niệm này đã được các đội hiểu, lý giải qua nhiều ví dụ rất cụ thể và gần gũi. Ví dụ như cách hiểu của các thành viên đội Khoa Sư phạm qua bài thuyết trình: Qua lời dạy của Bác, chữ “KIỆM” được lý giải thật cụ thể, dễ hiểu và dễ làm theo. Theo Người, “KIỆM” là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi…”.
Không chỉ tiết kiệm của cải, Người còn nhắc nhở tiết kiệm thời gian và sức lực. “Kiệm” không thể tách rời phẩm chất “Cần”, “Liêm” và “Chính”. Bởi vì “Cần” mà không “Kiệm” thì “làm chừng nào xào chừng ấy”; “Kiệm” mà không “Cần” thì không tăng thêm, không phát triển được. Có “Kiệm” thì con người mới “Liêm” được. Và “Cần”, “Kiệm”, “Liêm” là gốc rễ của “Chính”.
Để minh chứng cho lời nói của mình, các thành viên trong đội đã đưa ra ví dụ về cuộc sống giản dị của Bác, từ những cách tiết kiệm những vật dụng bình thường phục vụ cho cuộc sống riêng của mình (như đôi dép cao su, bộ quần áo ka-ki đã sờn, chiếc bút chì mòn vẹt...) cho đến cách sử dụng cán bộ như:
“Phục vụ cho Bác chỉ là tổ công tác ít người nhưng kiêm nhiều việc. Những lần đi công tác xa, không cần nhiều cán bộ cùng đi, Bác cho những anh em còn lại về thăm gia đình. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Bác đối với mọi người và cũng là một hình thức tiết kiệm thời gian”.
Khi thực hành tiết kiệm, mỗi khoa có cách làm rất riêng. Cán bộ, giảng viên Khoa Sư phạm đã có những cách thực hành tiết kiệm cho riêng mình như: Luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; cùng với tổ chuyên môn, các giảng viên của khoa luôn tìm cách cải tiến phương pháp làm việc để vừa nâng cao năng suất, vừa tiết kiệm sức lao động, thời gian, kinh phí; tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, điện thoại.
Ngoài ra, khoa còn có cách tiết kiệm thời gian bằng cách lập thời khóa biểu chuẩn xác, đúng tiến độ; sử dụng trang thiết bị vật chất của trường, của khoa một cách hợp lý, đúng thao tác kỹ thuật để tránh hư hao tài sản; khai thác các nguồn tư liệu miễn phí trên mạng Internet và sử dụng kho tư liệu hiện có tại Trung tâm Thông tin - Thư viện để nâng chất và làm phong phú bài giảng của mình…
Ngoài ra, các thầy cô còn hướng dẫn sinh viên cách sử dụng thời gian học tập ở nhà, biết quản lý thời gian tổ chức hoạt động nhóm hiệu quả. Các cán bộ quản lý khoa, tổ bộ môn đã chú ý sắp xếp và phân công nhân sự đúng trình độ chuyên môn để không lãng phí chất xám, sức người và vật chất...
Các cán bộ, nhân viên Trung tâm Thông tin - Thư viện cũng có cách thể hiện tinh thần tiết kiệm của riêng mình. Việc thực hành tiết kiệm của cán bộ, nhân viên Trung tâm được thể hiện qua những công việc cụ thể như:
Những tên sách do khoa đề nghị mua, Trung tâm đều rà soát, kiểm tra tài liệu đã có trong thư viện hay chưa rồi mới đề nghị bổ sung; tăng cường sử dụng vòng quay của tài liệu, phát huy tối đa vốn tài liệu hiện có tại thư viện; nâng cấp phần mềm libol, tạo tiện ích cho người sử dụng trong quá trình tìm kiếm tài liệu; sắp xếp tài liệu theo nội dung khoa học, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho bạn đọc khi tìm tài liệu…
Ngoài ra, mỗi thành viên của Trung tâm cũng có cách tiết kiệm cho riêng mình như: Tổ chức sắp xếp công việc cho khéo để ít tốn sức lực, con người nhưng phải đảm bảo thời gian, công việc vẫn hoàn thành tốt và đạt chất lượng, hiệu quả; xây dựng tác phong làm việc đúng giờ; không lãng phí thời gian vào những việc không có ích; trong sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng không để người này chờ người kia, gây lãng phí thời gian lẫn nhau…
Qua bài thuyết trình, các cán bộ, nhân viên Phòng Tài vụ đã chia sẻ tinh thần tiết kiệm của mình trên tinh thần lời dạy của Bác: “Thời giờ cũng phải tiết kiệm như của cải, vì nếu “của cải hết còn có thể làm thêm, nhưng đối với thời giờ, một khi đã qua rồi thì không bao giờ có thể kéo nó trở lại được”.
Vì thế, các cán bộ, nhân viên của phòng đã thể hiện tinh thần tiết kiệm của mình bằng cách thực hiện đúng giờ giấc làm việc, họp đúng giờ để không ảnh hưởng đến người khác; xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, giải quyết công việc kịp thời. Các thành viên của đội còn trình bày: Bên cạnh tiết kiệm thời gian, thì tiết kiệm sức lao động cũng không kém phần quan trọng. Bởi tiết kiệm sức lao động chính là cách để tăng năng suất lao động của mỗi cá nhân:
Đối với những công việc đáng lẽ cần 10 người để hoàn thành, nhưng do khéo léo sắp xếp, tăng khả năng lao động cá nhân thì 5 người cũng có thể hoàn thành được công việc đó. Số người sử dụng ít đi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc, ấy chính là tiết kiệm.
Các bạn sinh viên cũng có cách tiết kiệm không kém phần thiết thực, như Nguyễn Thị Diễm Hằng (lớp Đại học Quản trị kinh doanh 11, đại diện đội thi của Đoàn khoa Kinh tế - Xã hội) chia sẻ qua phần dự thi của đội mình:
Tắt tất cả các thiết bị điện trong phòng khi không cần thiết sử dụng; đi thang bộ thay vì dùng thang máy; dùng thời gian rảnh rỗi để học tập thay vì vui chơi, vì thời giờ rất quan trọng, việc hôm nay không để ngày mai; tiết kiệm tiền bạc, bởi tiền bạc là công sức của cha mẹ và sử dụng đồ đã qua sử dụng để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ…
Các đại biểu dự hội thi rất tâm đắc nội dung bài thuyết trình của 1 đội dự thi:
“…Bác đã dạy, người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng thụ, ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức. Hiện nay, nhân dân ta có điều kiện ăn ngon, mặc đẹp nhưng cái gốc của sự tiết kiệm vẫn cần được thực hiện. Mỗi người cần bằng những cách khác nhau thực hiện tiết kiệm trong mọi lĩnh vực. Bởi khi tiết kiệm, mỗi người sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững cho đất nước…”.
MINH CHÂU (lược ghi)
Ngày 16 và 17-5, Trường Đại học Tiền Giang tổ chức Vòng chung kết “Hội thi viên chức, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang học tập và làm theo lời Bác” lần thứ 4 - năm 2014. Có 8 đội tham gia, được chia làm 2 bảng: Bảng A gồm 4 đội của các khoa và bảng B gồm 4 đội của viên chức. Mỗi đội thi tài 3 nội dung: Thuyết trình hoặc kể chuyện về phong cách, đạo đức của Bác và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo; thi diễn năng khiếu (mỗi đội trình bày 1 tiết mục: hát, múa, hát múa, ngâm thơ... với chủ đề ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh) và thi giải ô chữ. Kết quả, ở bảng A, giải I thuộc về Đoàn khoa Kinh tế - Xã hội, giải II: Đoàn khoa Sư phạm, giải III: Đoàn khoa Kỹ thuật - Công nghiệp và Ngoại ngữ, giải Khuyến khích: Đoàn khoa Kỹ thuật - Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm. Ở bảng B, giải I thuộc về: Phòng Công tác Chính trị sinh viên, giải II: Phòng Tài vụ, giải III: Khoa Sư phạm và giải Khuyến khích được trao cho Trung tâm Thông tin - Thư viện. |