Thứ Bảy, 13/09/2014, 05:53 (GMT+7)
.

Ông Cao Xuân Nguyên: Làm theo Bác đem lại cuộc sống ấm no

Ông Cao Xuân Nguyện năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn hăng say lao động. Ông cho biết: Mình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Đông (TX. Gò Công) ven cửa sông Soài Rạp. Đặc điểm địa hình như thế nên đất đai nhiễm mặn, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa mùa, năng suất thấp.

Thực hiện lời dạy của Bác, ông tích cực học tập, nâng cao kiến thức áp dụng vào thực tiễn đời sống để lập thân, lập nghiệp, mở mang ngành nghề nông thôn vừa làm giàu cho mình, vừa góp phần giải quyết bài toán việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa bàn cơ sở.

Ông Nguyện chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ.
Ông Nguyện chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ.

Tại xã Bình Đông thời trước, hầu như ai cũng đều nghèo khó, trong đó có gia đình ông. Gia đình con đông, vốn liếng ít ỏi, thu nhập bấp bênh nên quanh năm phải chạy vạy kiếm sống hết sức vất vả. Sau nhiều đêm suy nghĩ, trằn trọc trước những khó khăn, thách thức về sinh kế, ông quyết định phải kết hợp thâm canh cây trồng phù hợp với mở mang những ngành nghề nông thôn có triển vọng tốt, thu nhập cao, giải quyết được nhiều lao động.

Từ suy nghĩ trên, ông Nguyện quyết định học nghề xe nhang có đầu ra thuận lợi bởi nhu cầu cao. Sản phẩm làm ra gia đình ông tự đóng gói, vô bao bì, chở đi tiêu thụ khắp các nơi. Ban đầu nhiều nhiêu khê, thách thức bởi cơ sở mới ra, chưa được nhiều người biết đến nhưng dần dần thị trường tiêu thụ được mở rộng, máy móc, thiết bị được kiện toàn, đầu tư nâng cấp, việc làm ngày một thuận lợi.

Hiện tại, cơ sở xe nhang của ông thu hút 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/ người/ tháng. Ngoài tiêu thụ trong nước, hàng tháng ông còn xuất sang Campuchia 20 tấn nhang thành phẩm. Tính đến năm 2014, ông Nguyện đã có trên 30 năm gắn bó với nghề xe nhang.

Thành công trên động viên ông mạnh dạn “tiến công” vào một số lĩnh vực làm ăn mới mẻ tại vùng quê Bình Đông. Đó là mở thêm cơ sở kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng, rồi cải tạo đất nhiễm mặn đưa vào trồng thanh long xuất khẩu, trồng chuối già cấy mô, trồng mít cao sản Thái Lan... nhằm tăng thêm nguồn thu nhập, nâng cao mức sống gia đình cũng như tạo thêm việc làm cho lao động tại chỗ. Cụ thể, ông mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng từ năm 1998 và hoạt động ổn định cho đến nay.

Đối với 1,6 ha đất nhiễm mặn, nhiễm phèn chỉ trồng được mỗi năm 1 vụ lúa trước đây ông mạnh dạn đầu tư cải tạo, lên liếp trồng thanh long ruột đỏ. Ông chia sẻ, lý do chọn trồng giống thanh long ruột đỏ bởi khả năng chịu hạn, chịu phèn và chống chịu sâu bệnh tốt, giá bán cao hơn thanh long ruột trắng truyền thống. Cây trồng này thích hợp đưa vào cơ cấu sản xuất vùng ven biển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh theo hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông và nhà khoa học của Viện Cây ăn quả miền Nam, vườn thanh long ruột đỏ sau 1 năm đã cho thu hoạch. Nhận thấy triển vọng của cây trồng đặc sản này, ông tiếp tục trồng thêm 1,6 ha thanh long ruột đỏ. Ông còn trồng 0,7 ha chuối già hương Nam Mỹ năng suất cao bằng giống cấy mô, trồng 100 cây mít Thái cao sản, thâm canh 3.000 m2 lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ...

Ông Cao Xuân Nguyện hạch toán cho thấy, trung bình mỗi năm gia đình thu gần nửa tỷ đồng lợi nhuận từ mô hình kinh doanh tổng hợp, đa ngành nghề, đa dạng hóa cây trồng kể trên. Ngoài ra, ông còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho từ 40 - 50 lao động tại chỗ với mức thu nhập từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/ người/ tháng. Hàng năm, từ thu nhập của mình ông trích 20 triệu đồng góp Quỹ Vì người nghèo, ủng hộ tiền, quà cho hộ nghèo, hộ chính sách neo đơn trong các dịp lễ, tết cũng như xây dựng hạ tầng  cầu - đường nông thôn...

Bài học mà ông Nguyện đúc kết được trong quá trình khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề để làm giàu cho mình và đóng góp cho công ích xã hội là phải biết xác định hướng đi đúng, phù hợp xu thế chung; biết học tập, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao; biết tiếp thị và quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định...

Ham học hỏi khoa học - kỹ thuật và ứng dụng thành công vào sản xuất, quan tâm nuôi dạy con cái thành đạt, có kiến thức, có đạo đức... là tính cách  ở người nông dân miền đất mặn Cao Xuân Nguyện được mọi người hết sức khâm phục.

Nhớ lại thời điểm năm 1994, tuy đã 50 tuổi nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, ông đã “vượt lên chính mình”, hàng đêm kiên trì vượt 12 km từ Bình Đông về TX. Gò Công theo học các lớp phổ cập giáo dục để lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau đó, ông ghi danh vào Khoa Đông Nam Á học, Trường Đại học Mở Bán công TP. Hồ Chí Minh.

Sau 4 năm miệt mài học tập, ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Đông Nam Á. Những kiến thức tích lũy, nắm bắt từ ghế nhà trường, từ giảng đường đại học đối với một lão nông tri điền như ông hết sức quý giá, giúp ông ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống - ông Nguyện bộc bạch. Ông có 5 người con cả trai lẫn gái đều học giỏi, siêng năng, thành đạt với công việc và cuộc sống. Trong đó có người đạt học vị thạc sĩ, có người có 2 bằng đại học...

Một nông dân vượt lên những khó khăn, thách thức của miền đất khó để lập thân, lập nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, cùng chung tay vì cộng đồng trong công cuộc giảm nghèo nông thôn như ông Cao Xuân Nguyện thật hiếm và đáng khâm phục.

Ông Nguyện xứng đáng được vinh danh nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh, vinh dự nhận phần thưởng cao quí: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp chính quyền, đoàn thể đã trao tặng trong thời gian qua bởi những thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng quê hương phồn vinh.

MỘNG TUYẾT

.
.
.