Thứ Tư, 08/10/2014, 05:46 (GMT+7)
.

Một chủ tịch Công đoàn tiêu biểu về học tập và làm theo Bác

16 năm tham gia công tác Công đoàn ở khu vực doanh nghiệp với vai trò là Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS), Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Châu Thành, anh Phạm Văn Chính luôn học tập và làm theo Bác, thường xuyên quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chú trọng công tác phát triển đoàn viên gắn với xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh...

Anh Phạm Văn Chính (đứng giữa) tại Hội nghị “Tuyên dương Chủ tịch CĐCS tiêu biểu toàn quốc”.
Anh Phạm Văn Chính (đứng giữa) tại Hội nghị “Tuyên dương Chủ tịch CĐCS tiêu biểu toàn quốc”.

Với vai trò là Chủ tịch CĐCS (từ năm 1998 - 2002: Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền; từ năm 2003 đến nay: Chủ tịch CĐCS công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu), hàng năm anh cùng với BCH CĐCS xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cho CĐCS, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; phối hợp với người sử dụng lao động (SDLĐ) tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ) đúng thời gian, trình tự, nội dung theo quy định và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong công ty;

Thường xuyên triển khai, tổ chức cho công đoàn viên (CĐV), công nhân - lao động (CNLĐ) học tập các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với hình thức phù hợp với điều kiện của công ty. Anh còn tham gia Hội đồng thi đua, khen thưởng kỷ luật, Hội đồng xét lương của công ty… để bảo vệ quyền, lợi ích cho CĐV, CNLĐ;

Tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ liên quan đến quyền lợi của CNLĐ theo đúng quy định của pháp luật; chủ động cùng với BCH CĐCS đề nghị người SDLĐ sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể theo hướng có lợi cho NLĐ, kể cả những quyền lợi mà pháp luật chưa đề cập. Cụ thể: Anh đã đề xuất và được Ban Giám đốc chấp thuận hàng năm trích từ quỹ phúc lợi của công ty để xây “Mái ấm công đoàn” cho CNLĐ gặp khó khăn về nhà ở.

Bà Cao Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Châu Thành nhận xét: Anh Phạm Văn Chính là một Chủ tịch CĐCS tiêu biểu về học tập và làm theo Bác. Trong hoạt động công đoàn, anh luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chú trọng công tác phát triển đoàn viên gắn với xây dựng CĐCS vững mạnh...

Với vai trò điều hành của anh thông qua BCH, CĐCS trở thành cầu nối quan trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người SDLĐ và NLĐ; qua đó, vừa giúp người SDLĐ quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với NLĐ, vừa tạo động lực để NLĐ ra sức phấn đấu nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung của doanh nghiệp.   
 

Tính từ năm 2009 - 2013, công ty đã hỗ trợ cho CNLĐ nghèo tổng số 18 căn nhà (mỗi căn trị giá từ 30 - 40 triệu đồng). Riêng năm 2014, BCH CĐCS đề nghị Ban Giám đốc xem xét hỗ trợ 3 trường hợp. Bên cạnh đó, hàng năm, anh còn đề xuất Ban Giám đốc hỗ trợ 60 - 90 trường hợp CNLĐ nghèo được mượn tiền (trả dần) để sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện đi làm… với tổng số tiền cho mượn từ 300 - 400 triệu đồng.

Các chế độ, chính sách khác liên quan trực tiếp đến đời sống của CNLĐ cũng được anh cùng với BCH CĐCS đề nghị Ban Giám đốc thực hiện tốt như: hỗ trợ tiền thuê trọ 150 ngàn đồng/người/tháng, tiền xăng 250 ngàn đồng/người/tháng, xây dựng bếp ăn tập thể phục vụ 3 bữa/ngày (sáng, trưa, chiều).

Từ năm 2013, anh còn đề xuất công ty hỗ trợ toàn bộ học phí năm đầu cho con CNLĐ thi đỗ đại học, các năm sau cho mượn, trả dần (mỗi năm hỗ trợ từ 10 - 15 trường hợp).

Ngoài việc tổ chức thăm hỏi đoàn viên, CNLĐ hoặc gia đình khi hữu sự, anh còn vận động Ban Giám đốc hỗ trợ kinh phí giúp nhiều CĐV, CNLĐ bị bệnh hiểm nghèo với số tiền hỗ trợ lên đến hàng chục triệu đồng/trường hợp…

Bên cạnh việc đề xuất Ban Giám đốc công ty thực hiện tốt chế độ, chính sách cho CNLĐ (BHXH, BHYT, BHTN…), hàng năm, căn cứ vào kế hoạch phát động thi đua của LĐLĐ huyện, anh cùng với BCH CĐCS xây dựng kế hoạch phát động thi đua phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với tiêu chí về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Qua 4 năm phát động (2010 - 2013), có 18 tập thể, 235 cá nhân được LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và “Cá nhân lao động xuất sắc”; có 4 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CNLĐ làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm, được LĐLĐ tỉnh biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị “Tuyên dương CNVCLĐ tiêu biểu năm 2013”.

Cùng với việc phát động các phong trào thi đua, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” và công tác “Bảo hộ lao động” được BCH CĐCS do anh chủ trì thực hiện đầy đủ theo quy định.

Công ty đã thành lập Đội an toàn vệ sinh, nhiều năm liền không để xảy ra tai nạn lao động cũng như sự cố cháy nổ, được Phòng Bảo hộ lao động - Ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá là đơn vị có phong trào tốt, cần nhân rộng điển hình…

Là cán bộ công đoàn chuyên trách, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu và rất sâu sát với đội ngũ CNLĐ; qua đó kịp thời đề xuất bộ phận nghiệp vụ đối thoại, thậm chí tranh luận với Ban Giám đốc về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của CNLĐ cần phải được công khai, minh bạch để họ thông hiểu và yên tâm công tác, tránh để xảy ra mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột.

Từ chỗ tin tưởng, xem công đoàn là điểm tựa vững chắc nên việc vận động NLĐ tham gia tổ chức công đoàn có nhiều thuận lợi. Trong 2 năm 2012, 2013, anh đã vận động và kết nạp mới 500 CĐV, đạt 245% chỉ tiêu đề ra cho cả nhiệm kỳ (2012 - 2015). Ban Chấp hành CĐCS công ty Á Châu nhiều năm liền được công nhận đạt danh hiệu “Vững mạnh” và “Vững mạnh xuất sắc”.

Anh Chính tâm sự: “Lúc đầu, được vận động tham gia tổ chức công đoàn, tôi lo lắng, tìm cách lẫn tránh vì cho rằng Công đoàn sẽ đối lập với chủ, gây ra nhiều phiền phức, thậm chí bị mất việc làm… Sau này tôi mới hiểu, Công đoàn là cầu nối giúp người SDLĐ và NLĐ hiểu nhau, giúp tháo gỡ những khó khăn phát sinh từ công việc đến thực hiện chế độ, chính sách… nên tôi yên tâm và gắn bó với cái nghề vốn đã mang đến cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc”. 

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.