Cô Trần Thị Mỹ Hạnh: Học Bác trên từng trang giáo án
Sự nghiệp “trồng người” hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình. Nhiều giáo viên đã biết vượt lên chính mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và trở thành những bông hoa tươi thắm tô điểm cho ngành Giáo dục. Cô Trần Thị Mỹ Hạnh, giáo viên dạy môn Địa lý Trường THCS thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè là một trong những tấm gương tiêu biểu ấy.
Cô bắt đầu vào nghề giáo năm 1991, trải qua nhiều năm công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, năm 2001 cô về công tác tại Trường THCS thị trấn Cái Bè. Với niềm đam mê, hết lòng vì thế hệ học sinh thân yêu, mỗi tiết học cô đều dành ra thời gian để củng cố lại bài để học sinh nắm vững kiến thức; đồng thời giúp các em yếu, trung bình có thể theo kịp bài. Em nào chưa hiểu, thật sự muốn học thì cô sẵn sàng giảng đến khi các em thật hiểu.
Cô Hạnh hướng dẫn thêm kiến thức cho học sinh ngoài giờ lên lớp. |
Cô Hạnh xác định: “Sự nghiệp trồng người muốn thành công phải uốn nắn học sinh ngay từ cấp học nhỏ nhất này”. Trong thực hiện chuyên môn, cô phối hợp tốt với Hội Cha mẹ học sinh, các đoàn thể và đồng nghiệp đưa tổ Sử - Địa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong công tác chuyên môn, cô luôn tận tình hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để cùng nâng cao hiệu quả giảng dạy. Được sự dìu dắt tận tình của cô, nhiều giáo viên trong tổ đã đạt giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua hàng năm. Nhiều thế hệ học trò của cô nay đã trưởng thành, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong xã hội.
Trong giảng dạy, ngoài việc truyền đạt kiến thức chuyên môn, cô còn liên hệ thực tiễn, dạy cho học trò kinh nghiệm sống, làm người, nhất là lồng ghép nội dung Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vận dụng phương pháp dạy học linh hoạt “thầy chủ đạo, trò chủ động”, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống để giáo dục đạo đức, giúp các em có ý thức hơn trong học tập và cuộc sống sau này.
Hơn 20 năm trực tiếp giảng dạy, cô luôn ghi nhớ lời dạy của Bác “phải không ngừng học hỏi, lao động, sáng tạo…”, cô luôn tìm tòi sáng kiến kinh nghiệm, sử dụng phương pháp trực quan, sinh động vào quá trình giảng dạy. Tính đến nay, cô đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt loại A, B các cấp, được nhiều đồng nghiệp ứng dụng vào quá trình giảng dạy và đạt kết quả cao.
Cô luôn hòa đồng lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp, thể hiện đúng vai trò tổ trưởng tổ Sử - Địa, phấn đấu hết mình tất cả vì ngôi trường, vì học sinh thân yêu. Cô mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực, phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh.
Đặc biệt, cô còn phát động việc Học tập và làm theo lời Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không mắc bệnh thành tích, học thật, thi thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan; phát động phong trào học tập, nâng cao trình độ, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, gần gũi, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, cô luôn được đồng nghiệp yêu thương, quý mến.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Lạc, giáo viên nhà trường nhận xét: "Cô Mỹ Hạnh là một giáo viên giỏi toàn diện. Cô hòa nhã với mọi người, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác chuyên môn. Cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm rất hay giúp giáo viên giảng dạy tốt, học sinh tiếp thu bài nhanh. Từ đó, tỷ lệ học sinh đạt giải học sinh giỏi môn Địa lý tại các kỳ thi tăng lên hàng năm. Chúng tôi rất tự hào về cô".
Hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, cho thế hệ học sinh thân yêu, cô đã gặt hái được khá nhiều thành tích, liên tục nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về "Thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt”. Đặc biệt, cô vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với thành tích "Xuất sắc trong công tác bồi dưỡng giáo dục thường xuyên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".
Cô Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: “Hơn 20 năm qua, tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc về việc chọn nghề của mình. Tôi học được ở Bác rất nhiều điều, nhiều nhất là tính chịu khó và thương yêu mọi người của Bác, chính điều đó đã giúp tôi gắn bó lâu dài với nghề. Tôi luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình trên từng trang giáo án để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Được truyền thụ kiến thức, thấy các em thành đạt, đó là niềm vui lớn nhất của tôi".
Nếu như ở trường, cô Hạnh là một người thầy mẫu mực trong sự nghiệp “trồng người” thì trong gia đình cô là một người vợ, một người mẹ hết mực yêu thương chồng con. Chồng cô hiện đang công tác chung trường, hiểu nhau trong công việc, từ đó ra sức giúp đỡ, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn. Đây cũng chính là “hậu phương” vững chắc để cô an tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề nghiệp. Trong quan hệ với bạn bè, bà con lối xóm, cô luôn được mọi người tin yêu, quý trọng, gần gũi và chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Bạch Yến, Hiệu phó nhà trường hết lời khen ngợi: “Cô Trần Thị Mỹ Hạnh là giáo viên giỏi cấp tỉnh, các tiết học của cô rất sinh động nhờ có hình ảnh, đồ dùng minh họa, lôi cuốn học sinh ham thích học môn Địa. Hàng năm, cô đều góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa của trường, giúp các em đạt nhiều thứ hạng cao tại các kỳ thi học sinh giỏi.
Trong quá trình công tác tại trường, cũng như quá trình xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tôi thấy cô Hạnh rất xứng đáng là một tấm gương điển hình trong việc Học tập và làm theo lời Bác, là tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người” của ngành Giáo dục nói chung, Trường THCS thị trấn Cái Bè nói riêng, đáng để nhiều giáo viên khác học hỏi, noi theo".
MINH TOÀN