Thứ Hai, 13/07/2015, 05:43 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Học Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn huyện Cai Lậy. Qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Mỗi điển hình là biểu hiện sinh động đưa lời Bác dạy đi vào cuộc sống.

Thực hiện Chỉ thị 03 CT/TW của Bộ Chính trị được ngành Giáo dục huyện Cai Lậy cụ thể hóa, gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dạy tốt - học tốt”…

Thầy Nguyễn Văn Hoàng trong một tiết dạy.
Thầy Nguyễn Văn Hoàng trong một tiết dạy.

Cán bộ, giáo viên luôn ý thức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là phải nêu cao tinh thần tự học, tự rèn, phấn đấu thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người” như Bác Hồ hằng mong muốn. Nhiều điển hình thầy, cô giáo là gương sáng tâm huyết với nghề, tận tụy vì học sinh.

Điển hình như thầy Nguyễn Văn Hoàng, giáo viên Trường THCS Long Trung. Hơn 30 năm giảng dạy môn Lịch sử, để học sinh tìm thấy sự hứng thú trong học tập, thầy Hoàng đã dành nhiều thời gian sưu tầm tư liệu, soạn giáo án, tìm phương pháp dạy sinh động, hấp dẫn giúp các em dễ tiếp thu bài.

Nhiều năm liền thầy Hoàng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện, cấp tỉnh. Gần 10 năm nay, thầy còn dành một góc nhà làm thư viện “mi-ni” để học sinh và các giáo viên cùng tham khảo tư liệu phục vụ cho việc dạy và học.

Thầy Hoàng chia sẻ: “Qua mỗi tiết dạy, tôi mong muốn từ những bài học lịch sử trên ghế nhà trường, học sinh sẽ hiểu thêm về truyền thống hào hùng của dân tộc, vun đắp tình cảm đẹp với quê hương, đất nước như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Niềm vui lớn nhất của tôi là học sinh yêu thích môn học này”.

Đến ấp Tân Thiện, xã Tân Phong hôm nay, nhiều người sẽ ngạc nhiên trước sự đổi thay của hệ thống giao thông ở một vùng sông nước. Đường đan, cầu bê tông kiên cố được bắc khắp nơi đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, rút ngắn khoảng cách giữa ấp Tân Thiện với trung tâm xã.

Kết quả ấy có sự nhiệt tình, trách nhiệm của bà Phạm Kim Hồng, Phó Trưởng ấp. 11 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thiện rồi Phó Trưởng ấp Tân Thiện (xã Tân Phong), bà Hồng dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, gầy dựng nhiều phong trào như thể dục dưỡng sinh, xây dựng giao thông nông thôn...

Bà Phạm Kim Hồng (thứ 2 từ trái qua) trong một buổi biểu diễn của CLB Thể dục dưỡng sinh ấp Tân Thiện.
Bà Phạm Kim Hồng (thứ 2 từ trái qua) trong một buổi biểu diễn của CLB Thể dục dưỡng sinh ấp Tân Thiện.

Lời dạy của Bác đối với người phụ trách công tác dân vận “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm” được bà vận dụng hiệu quả. 4 năm qua, bà Hồng đã trực tiếp đóng góp và vận động xây dựng 8 công trình giao thông trên địa bàn ấp với kinh phí trên 500 triệu đồng.

Bà cho biết: “Việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí không phải không có những khó khăn. Lúc đầu, khi nói về xây dựng giao thông nông thôn, nhiều người cứ nghĩ đó là việc của Nhà nước, nhưng khi được trực tiếp thảo luận, bàn bạc, bà con đều đồng thuận. Mỗi công trình hoàn thành là công sức của cả một tập thể, tinh thần đoàn kết và nỗ lực của mọi người…”.

Tinh thần Chỉ thị 03 CT/TW của Bộ Chính trị còn có sức lan tỏa rộng khắp trong nhân dân, thể hiện qua những việc làm bình dị, nhân văn, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Cụ thể như, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người dân trong huyện đã đóng góp hơn 9,8 tỷ đồng và hiến 118 ha đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, đổi mới cơ bản diện mạo nông thôn.

Anh Nguyễn Văn Hiền bên ngôi trường mới do anh hiến đất xây dựng.
Anh Nguyễn Văn Hiền bên ngôi trường mới do anh hiến đất xây dựng.

Về cá nhân điển hình, có anh Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1971) ở ấp Xuân Quang, xã Hội Xuân. Trăn trở khi học sinh phải học trong điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn, anh Hiền đã hiến hơn 2.000 m2  đất để Trường Tiểu học Hội Xuân có quỹ đất xây dựng cơ sở mới. Việc làm của anh hoàn toàn tự nguyện dù hiến gần nửa diện tích đất canh tác để xây trường, đồng nghĩa với cuộc sống sau này của gia đình anh sẽ vất vả hơn.

Ngôi trường mới khang trang đã được đưa vào sử dụng trong niềm vui của học sinh và phụ huynh trong xã, cũng là niềm vui của anh Hiền. Không chỉ hiến đất xây trường, anh Hiền còn vận động người thân hỗ trợ kinh phí mở rộng 150 m đường vào trường để phụ huynh và học sinh đi lại thuận tiện hơn.

Kết quả qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 CT/TW của Bộ Chính trị ở huyện Cai Lậy đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được thể hiện sinh động, cụ thể hơn. Các phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác đã tạo niềm tin, khí thế mới trong Đảng bộ và nhân dân huyện Cai Lậy.

Đặc biệt, những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm còn góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Đó là minh chứng sinh động nhất về sự yêu kính và lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. 

QUẾ NGÂN

.
.
.