.

Hồ Chí Minh và phong cách làm việc khoa học

Cập nhật: 20:43, 19/05/2017 (GMT+7)

Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận trong toàn bộ di sản mà Người để lại cho dân tộc ta. Tác phong không phải là bẩm sinh, mà nó phải trải qua một quá trình nhận thức và rèn luyện lâu dài của con người trong cuộc sống. Vậy tác phong làm việc là một bộ phận trong tác phong của con người, nó thể hiện ở cách thức, lề lối tiến hành và giải quyết công việc của một con người cụ thể. Phong cách làm việc của Người là phong cách làm việc mẫu mực của một lãnh tụ, của một nhà khoa học chân chính.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là lề lối, cách thức làm việc của người lãnh đạo, mà đối tượng của sự lãnh đạo đó là cấp dưới, là quần chúng nhân dân. Người luôn tác động vào quần chúng bằng một tác phong sâu sát, phù hợp để phát huy cao nhất vai trò của họ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra”.

Để có phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, Người yêu cầu cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc với quần chúng, nắm tâm tư, nguyện vọng và thật sự quan tâm đến đời sống mọi mặt của họ. Đồng thời phải tin yêu, tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng; không chỉ giáo dục mà còn phải học hỏi quần chúng và nêu gương cho quần chúng noi theo.

Phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể của Hồ Chí Minh hoàn toàn đối lập với phong cách làm việc theo kiểu áp đặt mệnh lệnh hành chính, độc đoán chuyên quyền, chủ quan, dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, tùy tiện. Phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng tập thể của Người luôn đi liền với sự quyết đoán và tinh thần dám chịu trách nhiệm của cá nhân. “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ”.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là làm việc có tính khoa học. Ngay từ khi còn niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước và trở thành một vị lãnh tụ thiên tài, Hồ Chí Minh xây dựng cho mình một phong cách làm việc khoa học, từ việc sắp xếp công việc trước sau, bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt... Ở Hồ Chí Minh, làm việc phải đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Người luôn xem xét, đối chiếu những ý kiến khác nhau để lựa chọn những ý kiến đúng, sàng lọc những thông tin sai lệch để từ đó đưa ra những quyết định chính xác, phù hợp.

Để có phong cách làm việc khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy” và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Khi ra các quyết định bao giờ Người cũng phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả. Người đã xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, không bóp méo sự thật, làm việc với tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan để tránh bị động bất ngờ và tránh sa vào công việc mang tính sự vụ thiển cận. Người đã phê phán gay gắt những cán bộ mắc “bệnh cận thị” không thấy xa trông rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ... Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn.

Phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được biểu hiện rõ ở chỗ khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, Người đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Người biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc một cách khoa học, hiệu quả và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng.

Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển “phương pháp làm việc biện chứng” - vốn được Người xem là ưu điểm chủ yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với tư cách là nhà khoa học chân chính, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ “con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học” và trên thực tế, mọi cái nhìn của Người đối với các vấn đề đều ít nhiều mang tính khoa học. Người thường dùng phương pháp so sánh các sự việc, hiện tượng theo thời gian, không gian, tính chất để làm nổi bật vấn đề. Người đưa ra những nhận định sâu sắc về những điều ẩn chứa đằng sau các số liệu báo cáo cụ thể. Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh có thể tóm tắt như sau:

- Làm việc đi sâu, đi sát cơ sở, có điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể đang diễn ra...

- Biết sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo dối trá, những phương án thiếu trung thực. Hồ Chí Minh lên án thói nói dối Đảng, làm láo báo cáo hay.

- Biết sử dụng bộ máy, những người cộng sự, những cơ quan giúp việc; thường xuyên đặt ra chương trình, kế hoạch rất sát hợp, thiết thực; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng.

Mỗi tác phong đều phản ánh một khía cạnh riêng trong việc tiến hành và giải quyết công việc của Người, song nó gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên một tác phong làm việc khoa học, hiệu quả. Đó chính là tác phong Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo phong cách làm việc của Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi đảng viên, cán bộ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, làm việc miệt mài, tận tâm, tận lực với công việc. Có như thế, mỗi chúng ta ngày càng hoàn thiện tác phong làm việc khoa học và có hiệu quả thiết thực cho công tác cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.   

LÊ VĂN TÝ

.
.
.