Bài 1: Tận tâm phục vụ các đối tượng bảo trợ xã hội
Làm theo lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho người dân thì dù nhỏ cũng cố gắng làm…”, thời gian qua, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã quan tâm chăm lo cho nhân dân bằng những hành động thiết thực, đặc biệt là nhóm người yếu thế.
Thấm nhuần và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo cho nhân dân, thời gian qua, cán bộ, viên chức, nhân viên của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang (viết tắt Trung tâm), trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) (tọa lạc xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) đã luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, hằng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Kiều Loan cho biết, thời gian qua, Chi bộ Trung tâm quán triệt cho toàn thể cán bộ, viên chức, nhân viên Trung tâm nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về phục vụ nhân dân. Từ đó, việc làm theo Bác đã đi vào cuộc sống hằng ngày của mỗi cán bộ, viên chức, nhân viên, thể hiện qua việc hết lòng, hết sức phục vụ các đối tượng bảo trợ xã hội, xem họ như người thân trong gia đình mình…
BÉN DUYÊN VỚI NGHỀ
Trung tâm hiện đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 340 đối tượng bảo trợ xã hội. Những mảnh đời bất hạnh này đã được “sưởi ấm” tình yêu thương, sự tận tâm, trách nhiệm của những cán bộ, viên chức, nhân viên Trung tâm. Đa số các đối tượng là người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 16 tuổi không có người nuôi dưỡng…
Nhân viên đút cơm cho các cụ sức khỏe yếu. |
Dù mỗi đối tượng sống trong mái nhà chung này đều có câu chuyện, số phận riêng, nhưng họ đã tìm được một chỗ nương tựa, được cán bộ, viên chức, nhân viên của Trung tâm quan tâm chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ, đời sống tinh thần và chăm sóc sức khỏe…
Khi còn nhỏ, Nguyễn Quốc Trung theo mẹ vào Trung tâm. Sau khi học chương trình phổ thông và hành nghề Cơ điện tử, anh đã theo học lớp chăm sóc người khuyết tật, và tiếp nối công việc của mẹ tại Trung tâm. Hơn 11 năm anh gắn bó với công việc chăm sóc người già neo đơn, trẻ khuyết tật, người bệnh tâm thần. Giữa năm 2022, em trai anh được tuyển dụng vào Trung tâm và được phân công chăm sóc đối tượng tâm thần nam. Anh chia sẻ, với kinh nghiệm, vốn sống của mình, anh luôn chỉ bảo, động viên em vượt qua khó khăn, luôn đặt tâm mình vào công việc chăm sóc, yêu thương những đối tượng ở đây như chính người thân của mình...
Các đối tượng trong Trung tâm được sống vui, sống khỏe, hay trưởng thành… là niềm vui, động lực để cán bộ, viên chức, nhân viên Trung tâm tiếp tục gắn bó với các đối tượng xã hội. Sự hy sinh thầm lặng ấy là mệnh lệnh từ trái tim, xuất phát từ việc học tập và làm theo lời Bác dạy… |
14 năm gắn bó với nghề, là ngần ấy năm chị Nguyễn Thúy Hằng, nhân viên công tác xã hội gắn bó, hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh. Công việc chính của chị Hằng là tư vấn tâm lý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tư vấn tâm lý các đối tượng đi lang thang, cơ nhỡ, bị bệnh tâm thần và kết nối tìm người thân, đưa họ trở về với gia đình… Chị Hằng chia sẻ, dù biết rằng đi làm vì tiền lương, nhưng nếu không có tâm thì sẽ khó gắn bó với công việc này. Những đối tượng do Trung tâm chăm sóc được khỏe mạnh, vui vẻ… đã tạo thêm động lực để bản thân tiếp tục với công việc, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Là một trong những nhân viên trẻ của Trung tâm, chị Lê Thị Cẩm Hồng cho biết, trong một chuyến đi thiện nguyện trao quà trong Trung tâm, chị đã cảm nhận được phần nào công việc ý nghĩa này. Và chị đã được tuyển vào Trung tâm làm việc, với mong muốn đóng góp một phần sức trẻ của mình trong công tác chăm sóc những mảnh đời kém may mắn.
Hay như chị Nguyễn Ngọc Cẩm Tú, nhân viên chăm sóc, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang. “Những ngày đầu làm việc, tôi có chút bỡ ngỡ, thậm chí sốc về tâm lý, nhưng được đồng nghiệp giải thích, động viên, tôi đã thấu hiểu các cụ ông, cụ bà trong Trung tâm rất cần mình chăm sóc, giúp tôi tiếp thêm sức mạnh, không còn bị sốc, tiếp tục với công việc” - chị tâm sự.
TẬN TÂM PHỤC VỤ
Vừa nhận cơm từ nhà bếp về khu vực quản lý, chị Lê Thị Cẩm Hồng đeo bao tay tách xương gà từng phần cơm cho các cụ bà. “Một số người già yếu, đối tượng tâm thần rất khó khăn trong việc ăn uống, nên nhân viên phải chủ động tách xương, cắt nhỏ thịt, rau phục vụ. Những cụ sức khỏe yếu, không thể tự ăn, thì nhân viên phải đút ăn. Các đối tượng nào không ăn cơm thì nhân viên phụ trách khu vực báo nhà bếp nấu cháo cho họ…” - chị Hồng cho biết.
Nhân viên Trung tâm tách xương gà từng phần cơm để các cụ dễ ăn, không bị hóc xương.. |
Anh Quốc Trung chia sẻ, mỗi đối tượng có phương pháp chăm sóc khác nhau, nhất là các cụ bại liệt, từ ăn uống, tắm rửa, tiểu tiện phải áp dụng đúng phương pháp đã được trang bị, nếu sai phương pháp thì người bệnh sẽ nặng hơn. Khi có đối tượng nhập viện hay chuyển viện lên tuyến trên thì nhân viên phải đi theo chăm sóc, nuôi bệnh, túc trực tại bệnh viện cho đến khi đối tượng về lại Trung tâm.
Do vậy, khi thấy đối tượng nào sức khỏe yếu thì nhân viên đề xuất Ban Giám đốc Trung tâm bổ sung sữa để các ông bà bồi bổ sức khỏe... Không chỉ anh Trung, mà các nhân viên ở Trung tâm đều chăm sóc các cụ hết mình, cho đến giây phút cuối cùng; có khi còn phải trực tiếp lo hậu sự cho các cụ.
Chị Vũ Thị Tuyết Mai, nhân viên chăm sóc, tâm sự, riêng với các đối tượng tâm thần, khi họ lên cơn có thể đánh mình vì không kiểm soát được bản thân, nhưng khi họ tỉnh lại thì họ thành tâm xin lỗi. Những lúc như vậy, chị Mai cảm thấy thương nhiều hơn giận. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc các đối tượng, cán bộ phụ trách khu còn nắm bắt tâm tư các đối tượng, nhất là đối tượng tâm thần.
Mặt khác, khai thác thông tin để cán bộ phụ trách cập nhật hồ sơ, giúp tìm người thân của họ... Chị Hằng nhớ lại, một đối tượng tâm thần cách đây gần 10 năm, sau khi được Trung tâm chăm sóc, cho uống thuốc trị bệnh đều độ, đối tượng đã nhớ được quê quán của mình. Chị Hằng đã liên hệ với tỉnh Bắc Ninh để xác minh thông tin. Sau khi trùng khớp thông tin, gia đình của đối tượng tâm thần này đã vào Tiền Giang đón con gái sau hơn 10 năm mất tích. Niềm vui sum họp của gia đình đối tượng cũng là niềm vui của tất cả cán bộ, viên chức, nhân viên của Trung tâm.
Đối với trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng, nhân viên Trung tâm đã trở thành người cha, người mẹ, người anh, người chị trong việc chăm sóc, dạy dỗ các em. Chị Hằng kể lại chuyện vừa xảy ra với chị: Trong Trung tâm, có một trẻ không chịu đi học. Chị đã dành không ít thời gian giải thích để trẻ hiểu, hợp tác với nhân viên Trung tâm. Chị và các cán bộ, viên chức, nhân viên Trung tâm luôn xem các trẻ như con, em, cháu trong gia đình mình, mong muốn giúp đỡ hết mình để sau này trẻ có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho xã hội. Rất mừng là nhiều trẻ đã có việc làm ổn định, xây dựng tổ ấm gia đình…
VĂN THẢO
(còn tiếp)