HỌC TẬP THEO BÁC, LÀM CHO DÂN LUÔN ẤM NO, HẠNH PHÚC:
Bài 2: Khó vạn lần dân liệu cũng xong
(ABO) Trong 5 năm qua (2019 - 2024), Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp của tỉnh Tiền Giang đã vận động nhân dân đóng góp trên 100 ngàn ngày công, trị giá hàng chục tỷ đồng, tổ chức nạo vét gần 1.000 tuyến kinh mương tưới tiêu. Nhân dân còn đóng góp trên 894 tỷ đồng để làm đường giao thông, công trình công cộng; hiến trên 2.822.824 m2 đất, hoa màu, vật tư, công trình trên đất, phục vụ xây dựng, nhất là làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hạ tầng nông thôn mới (NTM).
KHI NGƯỜI DÂN ĐỒNG THUẬN
Thời gian qua, huyện Châu Thành là một trong những địa phương có nhiều dự án phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phức tạp nhất của tỉnh Tiền Giang. Trong đó, có Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 qua địa phận tỉnh Tiền Giang có khoảng 1.000 tổ chức, hộ dân, cá nhân thuộc huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho bị ảnh hưởng, cần phải di dời, giải tỏa. Riêng huyện Châu Thành có hơn 500 trường hợp cần bàn giao mặt bằng, với diện tích hơn 102.000 m2, đến nay tất cả các trường hợp đã bàn giao mặt bằng.
Người dân chủ động di dời tài sản, bàn giao mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Việt Long |
Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, đất đai ngày càng có giá trị, trước đây cũng có vài hộ dân chưa đồng thuận với mức giá đền bù. Nhưng nhờ làm tốt Quy chế dân chủ cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động, huyện Châu Thành đã thực hiện đền bù giải tỏa mặt bằng theo đúng cơ chế, chính sách của tỉnh, bàn giao quỹ đất đúng tiến độ cho nhà đầu tư. Một trong những giải pháp của huyện là phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên để vận động nhân dân.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người dân dù còn khó khăn, nhưng khi thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 lại là những người đầu tiên đồng ý và nhận tiền đền bù đất bị thu hồi. Huyện còn tích cực vận động người dân tại địa phương thực hiện kiểm đếm, nhường đất cho dự án. Điều này cho thấy, một khi người dân đồng thuận thì dù vấn đề có nan giải đến mấy cũng có thể giải quyết.
Đường huyện 23C (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) được đầu tư khang trang. |
Đến huyện NTM Chợ Gạo nhiều người trầm trồ trước những con đường thênh thang thẳng tắp, bê tông hóa, nối dài từ trung tâm huyện đến tận các xã. Nhiều người bất ngờ khi biết quỹ đất mở rộng đường hầu hết do dân hiến tặng. Trước yêu cầu mở rộng tuyến đường huyện 23C (trên địa bàn xã NTM nâng cao Bình Ninh) làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng còn hạn hẹp, đặt ra bài toán cho chính quyền địa phương lời giải không hề đơn giản.
Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Chợ Gạo và xã Bình Ninh đã thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, vận động nhân dân hiến đất. Nhờ khéo léo tuyên truyền, hàng trăm hộ dân sinh sống dọc 2 bên đường huyện 23C đã hiến đất và tự nguyện trồng, chăm sóc hoa, kiểng, cây xanh 2 bên đường.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp từ sức mạnh của lòng dân. Ảnh: N.Duyên |
Nhìn con đường thẳng tấp, khang trang, sạch đẹp, ông Tám Đạt, ngụ xã Bình Ninh phấn khởi cho biết: "Khi được thông tin về việc vận động người dân hiến đất mở rộng, nâng cấp đường huyện 23C, gia đình tôi vui vẻ đồng thuận, để con đường sớm được triển khai thực hiện. Hiểu được lợi ích của việc nâng cấp, đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, tôi đã đồng ý hiến một phần diện tích đất trước nhà của gia đình, để công trình sớm được thi công. Hiện tại, con đường được tải nhựa, khang trang, sạch đẹp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tôi cảm thấy rất phấn khởi trước đổi thay từng ngày của địa phương, trong đó có một phần đóng góp của gia đình mình".
NHỮNG CHIẾC CẦU XÂY BẰNG SỨC DÂN
Những người sinh sống tại ấp 2, xã An Hữu, huyện Cái Bè vẫn chưa quên hình ảnh con đường chỉ dài có mấy cây số, nhưng lại có cây cầu Ba Miệng hình chữ “T” nhỏ hẹp, xuống cấp. Mỗi lần chở vật liệu, hàng hóa thì phải sử dụng xe máy, hoặc ghe, chi phí rất cao. Những ngày mưa to, gió lớn, cầu Ba Miệng cũng trở nên yếu ớt, vì vậy người dân trên địa bàn lúc nào cũng mong mỏi có được cây cầu kiên cố, đi lại an toàn hơn.
Các tổ chức, cá nhân và nhân dân đồng lòng xây dựng cầu Ba Miệng, xã An Hữu, huyện Cái Bè và cầu được khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 20-7-2023. |
Đầu năm 2023, để thuận tiện cho việc đi lại, chính quyền vận động và nhân dân đã tự nguyện đóng góp công sức và hàng trăm triệu đồng để xây dựng cầu Ba Miệng kiên cố thay cây cầu cũ đã xuống cấp. Cầu Ba Miệng dài 66 m, ngang 4 m, tải trọng 5 tấn, được xây dựng bằng bê tông, cốt thép kiên cố với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng cầu được chính quyền địa phương phối hợp Đội xây cầu Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Tiền Giang vận động các đơn vị, nhà hảo tâm, cơ sở thờ tự tài trợ. Nhiều người đóng góp từ vài trăm triệu đồng đến vài ba triệu đồng và cả góp sức, ngày công lao động.
Ông Đặng Non Sông, người dân ở ấp 2, xã An Hữu, huyện Cái Bè phấn khởi cho biết: "Mùa mưa năm nay, bà con trong vùng không còn lo lắng, bất an khi đi qua cây cầu Ba Miệng cũ kỹ, không đảm bảo an toàn. Từ khi có cầu mới, việc lưu thông của người dân đã thuận lợi, học sinh đi lại an toàn, dễ dàng hơn, cuộc sống của bà con từng bước khởi sắc".
Sau hơn 5 tháng thi công, cây cầu dân sinh Phước Đức, ở ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè đã hoàn thành. Đây là cây cầu nối liền giao thông giữa xã An Thái Đông với các xã Mỹ Đức Tây, Mỹ Lợi A, An Thái Trung của huyện Cái Bè. Ngày khánh thành cầu Phước Đức, người dân trong vùng vui mừng, phấn khởi, bởi từ nay không chỉ có xe đạp, xe máy lưu thông thuận lợi mà cả xe tải, ô tô cũng có thể chạy bon bon qua cầu, không còn phải chịu cảnh “qua sông lụy đò” hay phải đi đường vòng như trước.
Khánh thành cầu Phước Đức, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè. |
Chủ tịch UBND xã An Thái Đông Nguyễn Thanh Sang cho biết: Trong quá trình xây cầu, làm đường, mọi thông tin về kinh phí và tiến độ xây dựng đều được công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát. Nhờ phát huy tốt công tác dân vận và thực hiện dân chủ nên người dân tích cực hưởng ứng phong trào xây cầu bê tông xóa cầu tạm do chính quyền địa phương phát động. Muốn xây dựng một tuyến đường hay cây cầu nào đó, địa phương tiến hành họp dân để bàn bạc, một khi người dân đồng tình mới triển khai thực hiện. Với bà con, bao năm đi lại khó khăn nên khi biết được việc triển khai xây cầu, làm đường bê tông thì đều đồng lòng và khấn khởi vui mừng, đóng góp kinh phí, ngày công.
Cụ thể như kinh phí xây cầu Phước Đức gần 2,5 tỷ đồng được sự đóng góp của các đơn vị, nhà hảo tâm và nhân dân địa phương. Điển hình như cô Nguyễn Ngọc Lan (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ 500 triệu đồng; Hội Từ thiện vì trẻ em Việt Nam Canada tài trợ 300 triệu đồng; Nhóm thiện nguyện từ bi cô Bảy (TP. Hồ Chí Minh) đóng góp 200 triệu đồng; UBND huyện Cái Bè 300 triệu đồng; UBND xã An Thái Đông 200 triệu đồng, Công ty Bê tông 620 Châu Thới tài trợ bộ dầm trị giá 157 triệu đồng. Phần còn lại gần 1 tỷ đồng là sự chung tay, góp sức của nhân dân và các nhà hảo tâm.
Việc xây dựng cầu Phước Đức có ý nghĩa lớn đối với nhân dân các xã An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Lợi A, An Thái Trung của huyện Cái Bè, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn đi lại, giao thương dễ dàng hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển, xây dựng An Thái Đông đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào cuối năm 2024.
Khánh thành cầu Bờ Me, xã Bàn Long, huyện Châu Thành. |
Vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Tiền Giang phối hợp với xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) và xã Bàn Long (huyện Châu Thành) tổ chức Lễ khánh thành 2 cầu giao thông nông thôn với kinh phí hơn 200 triệu đồng. Đồng chí Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: "Cả 2 cây cầu đều do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động các tổ chức tôn giáo tài trợ hơn 50% kinh phí, phần còn lại do địa phương và nhân dân đóng góp. Bên cạnh đó, Đội Xây dựng cầu từ thiện của Ban Đại diện Hội Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Tiền Giang hỗ trợ ngày công xây dựng".
Những công trình, con đường mới, cây cầu kiên cố… được xây dựng khang trang đã chứng minh cho chân lý “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đây là bài học kinh nghiệm cần được các cấp, các ngành, địa phương phát huy.
SỚM MAI
(còn tiếp)
.