.
Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái:

Chìa khóa cho sản xuất lúa bền vững

Cập nhật: 15:28, 28/03/2012 (GMT+7)

Các vụ lúa áp dụng mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nông dân quen dần và tỏ ra thích thú trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ các loài thiên địch về sống và giúp khống chế các loài côn trùng gây hại. Hiện nay, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tích cực nhân rộng mô hình trên.

Cán bộ BVTV và nông dân tham quan mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa” ở ấp Tân Thới, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy.
 Tham quan mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa” ở ấp Tân Thới (Tân Phú, Cai Lậy).

THÓI QUEN TỐT VÀ HIỆU QUẢ

Một ngày cuối vụ đông xuân 2011- 2012, chúng tôi đến tham quan mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa” ở ấp Tân Thới, xã Tân Phú (Cai Lậy). Cả cánh đồng trải dài hàng chục ha một màu vàng ươm, bông nặng trĩu, hạt no tròn.

Ông Nguyễn Văn Lang, người tham gia mô hình cho biết: “Thường mỗi vụ lúa, tôi phải phun từ 3 - 4 lần thuốc phòng trừ sâu, rầy. Ấy thế mà từ đầu vụ đến giờ, tôi chỉ phun 1 lần trừ sâu, cháy lá và thuốc dưỡng cây thôi. Lúa vẫn cho năng suất cao khoảng 7 tấn/ha”.

Ông Lang cho biết, đây là vụ thứ 2 ông tham gia mô hình trồng hoa trên bờ ruộng lúa. Vụ trước, kết quả cũng tương tự. “Mỗi một lần phun thuốc trừ rầy, sâu tốn cả triệu đồng. Giảm được 3-4 lần phun mỗi vụ lúa, chúng tôi tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng/ha chi phí. Và điều quan trọng khác là qua đây giảm tác hại của thuốc lên môi trường nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo. Vậy tại sao không làm?” - ông Lang bày tỏ.

Áp dụng “3 giảm 3 tăng”, gieo sạ đồng loạt “né” rầy, từ vụ hè thu chính vụ năm 2011, Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy triển khai mô hình trồng hoa trên bờ ruộng lúa ở Tân Phú với diện tích khoảng 20 ha, có 41 hộ tham gia.

Nông dân được hỗ trợ trồng những loại hoa như: xuyến chi, soi nhái, cúc mặt trời (màu sặc sỡ, có mùi thơm, có mật ngọt để thu hút thiên địch), khuyến cáo nông dân không phun thuốc trừ cỏ trên bờ ruộng, xuống giống đúng lịch thời vụ, mật độ gieo sạ vừa phải (120 kg/ha), bón phân cân đối, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”...

Kết quả khảo sát cho thấy, mật độ thiên địch có ích trong mô hình luôn luôn cao từ 1 - 22 con/m2. Nông dân đã yên tâm hơn khi thấy mật số sâu, rầy xuất hiện trên ruộng thấp, chi phí sản xuất giảm đáng kể. “Hiệu quả mô hình đã thấy rõ. Nông dân không còn băn khoăn như trước” – ông Nhỏ, người phụ trách mô hình cho biết. 

Ông Phạm Văn Chiến, Chi cục phó Chi cục BVTV cho biết, thói quen canh tác truyền thống của nông dân là trước khi sạ lúa, bờ ruộng luôn được làm sạch cỏ, thiên địch không có nơi cư trú, dễ mất khả năng kiểm soát mật số rầy nâu dưới ngưỡng gây hại ngay từ đầu vụ. Mô hình đã tăng cường và duy trì sự cân bằng trong hệ sinh thái ruộng lúa, sản xuất lúa bền vững, có lợi nhuận. “Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình này còn giải quyết được vấn đề tác động môi trường từ sử dụng thuốc BVTV, bảo vệ sức khỏe nông dân và cộng đồng; tạo cân bằng sinh thái trên đồng ruộng; việc áp dụng mô hình còn tạo mỹ quan trên đồng ruộng, vùng nông thôn” - ông Chiến nói.

Tại Gò Công Tây, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai 3 mô hình trồng hoa trên ruộng lúa ở các xã: Thạnh Nhựt (20 ha), Bình Nhì (20 ha), Vĩnh Hựu (10 ha), do Công ty CP BVTV An Giang thực hiện.

Qua các vụ lúa, kết quả cũng cho thấy nhiều lợi ích mà mô hình mang lại rất rõ. Nông dân giảm chi phí sản xuất từ 1,5-2,5 triệu đồng/ha/vụ do giảm số lượng và số lần phun thuốc BVTV.

CẦN NHÂN RỘNG VÀ HƯỚNG ĐẾN CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN  

Vụ đông xuân 2009-2010, 2 mô hình “Cộng đồng sử dụng cộng nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa” được thử nghiệm đầu tiên ở huyện Cái Bè, Cai Lậy đã cho kết quả là số lượng thiên địch về trú ngụ nhiều, đa dạng về chủng loài; giảm áp lực sử dụng thuốc trừ sâu, rầy, không ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của người sản xuất tăng lên.

Trong vụ hè thu muộn 2010, ngành Nông nghiệp tiến hành triển khai 3 mô hình ở các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông, mỗi mô hình 20 ha (vùng sản xuất lúa đặc sản với các giống thường rất mẫn cảm với sâu, rầy). Những vụ sau đó, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương tiếp tục mở rộng các mô hình đã thực hiện, phát triển thêm các mô hình mới. Đơn cử, trong vụ hè thu 2011, toàn tỉnh đã phát triển 7 mô hình mới, trong đó Chợ Gạo và Gò Công Đông thực hiện bằng kinh phí huyện.

Theo thống kê của Chi cục BVTV, từ năm 2010 đến nay, Tiền Giang đã triển khai thực hiện 16 mô hình tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông; quy mô mỗi mô hình ít nhất 10 ha, cao nhất 30 ha, với tổng diện tích thực hiện khoảng 600 ha.

Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Đó là mô hình chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện trên một diện tích lớn và đòi hỏi tính cộng đồng cao, thực hiện đồng loạt các giải pháp như: gieo sạ đồng loạt để “né” rầy, áp dụng “3 giảm 3 tăng”, trồng hoa dẫn dụ thiên dịch…Trong khi đó, nông dân vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn vào tính hiệu quả của mô hình; tập quán sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm tồn tại lâu nay khó thể thay đổi trong ngày một ngày hai.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây cho biết, hiệu quả mô hình đã được chứng minh. Tuy nhiên, hiện nay kiến thức của người dân về sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại còn hạn chế, có người tham gia nhưng không thực hiện đúng theo yêu cầu của mô hình; tính cộng đồng trong thực hiện các giải pháp chưa cao nên hiệu quả còn hạn chế.

Về định hướng phát triển mô hình trong thời gian tới, ông Phạm Văn Chiến cho biết, tỉnh tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình đã thực hiện và triển khai các mô hình mới theo hướng tỉnh hỗ trợ xây dựng các mô hình mới, địa phương duy trì mô hình đã thực hiện, trong đó chú trọng mở rộng các mô hình để làm cơ sở xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Trước mắt, trong vụ hè thu sớm 2012, tỉnh tiếp tục duy trì các mô hình đã thực hiện ở huyện Cai Lậy, Cái Bè; tiến hành mở rộng các mô hình đã thực hiện và triển khai các mô hình mới tại các địa phương chưa áp dụng ở vụ hè thu chính vụ và hè thu muộn.

N.VĂN
 

.
.
.