Thứ Sáu, 01/07/2016, 14:59 (GMT+7)
.

TS. Lê Quang Khôi: Góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp

Tiến sĩ (TS) Lê Quang Khôi, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn khách tham quan khu dưa lưới trồng trong nhà màng trong khuôn viên trung tâm. Nhìn thấy những dây dưa xanh mướt đeo lủng lẳng những trái rất to, bắt mắt, ai cũng trầm trồ. Anh bảo, đây là 2 giống dưa Chu Phấn và Taki có nguồn gốc từ Nhật Bản.

TS. Lê Quang Khôi chăm sóc dưa lưới trồng trong nhà màng.
TS. Lê Quang Khôi chăm sóc dưa lưới trồng trong nhà màng.

Mỗi vụ dưa ngắn ngủi, chỉ 3 tháng. Trong năm trồng được 4 vụ. Khu nhà màng của trung tâm rộng chỉ 480 m2, mỗi vụ thu hoạch từ 1,4 - 1,6 tấn. Giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Như vậy, sau 1 vụ dưa lưới, giá trị sản xuất đạt từ 35 - 40 triệu đồng; còn tính cả năm (4 vụ), thu hoạch đạt từ 140 - 160 triệu đồng.

Đây chính một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả trên diện tích đất nhỏ hẹp đang được trung tâm chuyển giao cho nông dân Tiền Giang, cũng như các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

TS. Lê Quang Khôi sinh năm 1975, là một trong những trí thức trẻ thế hệ trưởng thành sau 41 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đang có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp thời kỳ đổi mới và hội nhập, đặc biệt trên lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất, đời sống.

Anh tốt nghiệp ngành Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh vào năm 1997, học lấy bằng Thạc sĩ ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Cần Thơ năm 2009. Năm 2015, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh tiếp tục lấy bằng TS. ngành Vi sinh vật học cũng tại Trường Đại học Cần Thơ.

Con đường học vấn cho thấy sự miệt mài, đam mê học tập nâng cao trình độ của người trí thức trẻ trong thời kỳ mới của đất nước, của quê hương Tiền Giang đang “khát” nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Bản thân TS. Lê Quang Khôi trong vai trò lãnh đạo trung tâm, vừa là 1 cán bộ khoa học năng nổ đã quan tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ nhiều lĩnh vực thiết thực đối với đời sống, góp phần đưa công nghệ mới vào thâm canh cây trồng, vật nuôi, đặt nền móng cho nền nông nghiệp công nghệ cao, khắc phục ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất… mà mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng kể trên là một ví dụ.

Với ước mong cống hiến vốn quí tri thức tích lũy được trong quá trình học tập, TS. Lê Quang Khôi chú tâm đầu tư cho các công trình và đề tài nghiên cứu khoa học có nhiều ứng dụng thiết thực mang lại hiệu quả.

Chỉ tính từ năm 1999 - chỉ sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, anh thực hiện (tác giả hoặc đồng tác giả) 17 công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án. Một số công trình khoa học tiêu biểu như: Nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu với quy mô áp dụng trên hộ gia đình, giúp nông hộ phát triển kinh tế ở Tiền Giang thông qua những mô hình thích hợp; Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường với phạm vi cung cấp cho các hệ thống xử lý nước thải; Ứng dụng các chủng vi sinh có ích trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản…

Hay Dự án: Áp dụng các giải pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp nhằm phát triển vùng xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đưa đến trái xoài cát Hòa Lộc - một trong các chủng loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang được cấp chứng nhận đạt tiêu chí GlobalGAP. 

Tương tự, Dự án: Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ các loại nấm ăn tại Tiền Giang đã mở ra tương lai mới cho nghề trồng nấm, thu hút hàng trăm hộ dân với nhiều loại nấm có giá trị thương phẩm cao: Nấm bào ngư, nấm rơm, nấm linh chi… được đưa vào cơ cấu trồng trọt, mở mang thêm ngành nghề mới nông thôn, cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Qua đó, giúp diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn Tiền Giang ngày một đổi mới.

Hiện nay, TX. Gò Công, TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo… là những địa bàn có nghề trồng nấm gia đình khá phát triển mà có được cũng nhờ nỗ lực của TS. Lê Quang Khôi và tập thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học - Công nghệ Tiền Giang (cơ quan anh công tác từ 1997 đến năm 2013).

Từ năm 2013 đến nay anh chuyển về công tác tại Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang. Đặc biệt, trên cương vị Giám đốc Trung tâm, TS. Lê Quang Khôi đóng vai trò quan trọng trong việc cùng đơn vị đưa KH-CN mà nổi bật là công nghệ sinh học đi vào đời sống, khắc phục hạn chế của nền nông nghiệp tỉnh nhà lâu nay về thiếu nguồn giống tốt, kỹ thuật canh tác cũ, giải pháp và mô hình thâm canh chưa phù hợp…

Đơn cử như: Nghiên cứu về cấy mô thực vật tạo giống tốt, chất lượng, sạch bệnh; Nghiên cứu về trồng trọt trong nhà lưới, nhà màng; Sản xuất chế phẩm sinh học…

Từ đó, giúp nông dân thời nay tiếp cận khoa học trong quá trình sản xuất hướng đến chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường, làm quen với kỹ thuật trồng trọt bằng các giống cấy mô, sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện môi trường vừa bảo vệ sức khỏe…

Ông Cao Xuân Nguyện, một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của TX. Gò Công, người vừa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những đóng góp trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho biết, vừa qua ông trồng 70 sào chuối già Nam Mỹ bằng giống cấy mô mang lại kết quả tốt.

Còn ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa kiểng xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) cho biết, hầu hết nông dân vùng trồng hoa kiểng ven TP. Mỹ Tho đều chuộng giống hoa, lan cấy mô nhờ chất lượng tốt hơn hẳn và thị trường ưa chuộng. Đó là 2 ví dụ mang tính điển hình.

Kỹ thuật và Công nghệ sinh học là lĩnh vực mới mẻ với nhiều ứng dụng hết sức đa dạng, hữu hiệu, không chỉ tạo nền tảng mà còn mở ra tương lai mới cho nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tiền Giang đang đeo đuổi. Góp sức vào sự thành công của chương trình có vai trò đi đầu của những trí thức trẻ trên mặt trận KH-CN như TS. Lê Quang Khôi. Anh cùng nhiều đồng nghiệp đang ngày đêm miệt mài, đầu tư công sức của mình vì sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa  nước nhà, trong đó có quê hương Tiền Giang thân thương.

MINH TRÍ

.
.
.