Thứ Tư, 28/06/2017, 10:10 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ…”.

Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nêu: “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học…, chú trọng đầu tư, phát triển khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…”. Điều đó cho thấy, nông nghiệp công nghệ cao có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, chất lượng.

Ở tỉnh ta, năm 2014, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) đã thử nghiệm thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng cà chua, lan Mokara cắt cành cũng cho hiệu quả khá tốt.

Ngoài ra, còn có các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã thử nghiệm, áp dụng cho kết quả tốt như trồng rau màu, trồng nấm, trồng rau thủy canh; sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô (lan, cúc, chuối); tư vấn và thực hiện các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, UTZ Certified cho các sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng thành công công nghệ vi sinh vào sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý môi trường mà điển hình là đã sản xuất thành công chế phẩm phân bón gốc Bioroot được công nhận sản phẩm hợp quy để đưa ra thị trường; chế thành công nấm xanh phòng trừ rầy nâu, bọ xít hại lúa; chế phẩm VSV chức năng; sản xuất men tiêu hóa cung cấp cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Ngoài ra, thông qua các đề tài, chương trình, dự án, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai thành công nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng, vật nuôi như trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP, SQF, an toàn dịch bệnh vùng nuôi; các chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây ăn trái đặc sản của tỉnh, sản xuất ca cao hữu cơ; sản xuất thành công giống nghêu, tôm; xử lý nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi bằng công nghệ vi sinh; phát triển mạnh các loại nấm ăn, nấm dược liệu; ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực y tế: Sản xuất thuốc, chẩn đoán, phòng trị bệnh,...

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học đã mang lại hiệu quả khá và đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, tạo hiệu ứng bước đầu, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thời kỳ nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, các mô hình này còn cho thấy hiệu quả xã hội rất lớn như: Bảo vệ môi trường, sức khỏe con người...

Song, việc chuyển giao, ứng dụng rộng rãi các công nghệ này vào trong sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí ban đầu cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp khá cao, vượt quá khả năng của nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ; chưa liên kết được đầu ra với doanh nghiệp, nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư…

Thời gian tới, tỉnh ta cần tập trung nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển và ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học. Trước mắt, tăng cường ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh sản xuất, quảng bá các chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh…, để cung cấp cho nông dân, góp phần phát triển bền vững, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả. Tìm đầu ra của sản phẩm với giá cả thỏa đáng, tạo điều kiện, tăng cường liên kết giữa các tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ với doanh nghiệp và người sản xuất. Tiếp tục tư vấn và thực hiện các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, UTZ Certified…

MINH TUẤN

.
.
.