Chủ Nhật, 30/07/2017, 22:57 (GMT+7)
.

Phổ cập 4G: 'Nhà mạng còn nhiều việc phải làm'

Dù đạt mức phủ trên 90% lãnh thổ Việt Nam ngay khi bắt đầu triển khai, việc đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng 4G hay chuyển thuê bao 2G lên 3G/4G đều là thách thức lớn.

Ngay khi bắt đầu triển khai, mạng 4G tại Việt Nam đã phủ sóng hơn 90% lãnh thổ. Theo nhiều chuyên gia, đây là điểm thuận lợi để phát triển công nghệ 4G LTE, cũng là nỗ lực cực lớn của các nhà mạng.

Phủ sóng rộng mới chỉ là giai đoạn đầu trong việc phát triển mạng 4G tại Việt Nam. Ảnh: VNPT.
Phủ sóng rộng mới chỉ là giai đoạn đầu trong việc phát triển mạng 4G tại Việt Nam. Ảnh: VNPT.

Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu thuê bao 4G. Theo dự báo đến năm 2020, số lượng thuê bao 3G/4G tại Việt Nam sẽ lên tới con số 120 triệu trong đó phần nhiều có thể là thuê bao 4G.

Lạc quan về tốc độ triển khai 4G tại Việt Nam nhưng các chuyên gia cho rằng nhà mạng còn rất nhiều việc phải làm. “Trong việc triển khai 4G tại Việt Nam, công nghệ không phải thách thức lớn nhất. Với một công nghệ mới như 4G, kỳ vọng của người dùng rất cao, chất lượng phải mang tính đột phá”, ông Thiều Phương Nam – Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương nói.

Theo ông Nam, nói đến việc triển khai rộng rãi không có nghĩa nhà mạng đã xong việc. Nhiều nơi trên thế giới, tốc độ 4G đã đạt đến Gigabit – tương đương tốc độ cáp quang. Để làm được điều này tại Việt Nam, về mặt chính sách cần bổ sung thêm băng tần cho 4G để triển khai các công nghệ như gộp sóng mang.

Đặc biệt, sự khác nhau giữa 4G và 3G là các nhánh của 4G giúp nhà mạng mở rộng được nhiều dịch vụ mới, không chỉ kết nối smartphone mà còn kết nối máy móc, thành phố thông minh, IoT. “Do đó, việc triển khai 4G còn nhiều bước phải thực hiện, cần liên tục đẩy mạnh công nghệ mới, đa dạng hóa dịch vụ”.

Một thách thức nữa của các nhà mạng là việc chuyển đổi thuê bao 2G lên 3G/4G. Theo thống kê trong nước, số lượng khách hàng 2G tại Việt Nam còn lớn. Nhóm khách hàng này sử dụng ứng dụng cơ bản, không tạo ra nhiều doanh thu và chiếm tài nguyên lớn của nhà mạng.

Nói về kế hoạch triển khai 5G tại Việt Nam vào năm 2020 - là thời điểm thế giới sẵn sàng cho công nghệ này, các chuyên gia tỏ ra khá dè dặt. “Câu hỏi quan trọng hiện tại là làm thế nào đảm bảo chất lượng 4G, thu hút rộng rãi người dùng 4G vì 4G là tiền để cần thiết để triển khai 5G. Nếu không tạo được nền tảng 4G tốt, việc triển khai 5G tại Việt Nam có thể bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn”, ông Mantosh Malhotra – Giám đốc Qualcomm Đông Nam Á nói.

Về kế hoạch tắt sóng 2G tại Việt Nam, các chuyên gia của Qualcomm cho rằng việc này sẽ chưa sớm thực hiện được trong vài năm tới. Ông Thiều Phương Nam lấy ví dụ, nhà mạng AT&T đang thực hiện tắt sóng 2G nhưng phải đưa thông báo cho khách hàng từ 7 năm trước đến người dùng chuẩn bị.

(Theo zing.vn)

.
.
.