Thứ Bảy, 29/07/2017, 09:36 (GMT+7)
.

Tranh luận về việc sử dụng amiăng trắng

Ngày 28-7, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị về việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng chủ trì hội nghị.

Amiăng trắng vẫn đang được sản xuất và sử dụng khá phổ biến tại nước ta.
Amiăng trắng vẫn đang được sản xuất và sử dụng khá phổ biến tại nước ta.

Từ lâu, ở nước ta đã cấm sử dụng dưới mọi hình thức với amiăng xanh, nâu (gọi chung là amiăng xanh), chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh amiăng trắng với một số điều kiện chặt chẽ. Tuy nhiên, việc sản xuất, sử dụng amiăng trắng hiện vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau.

Tại Hội nghị, một số ý kiến tán thành với Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh có liên quan đến amiăng giai đoạn đến 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ Y tế xây dựng trên cơ sở nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó tất cả các loại amiăng đều có nguy cơ gây ung thư.

Loại ý kiến trên nhấn mạnh thực tế: Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia sử dụng amiăng nhiều nhất trên thế giới, chủ yếu là các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sợi amiăng trắng nhập khẩu.

Do đó, để tránh việc phải chịu hậu quả nặng nề sau 15 năm thực hiện nghiên cứu, đưa ra bằng chứng rõ ràng về vấn đề dư luận đang quan ngại, các ý kiến này đề nghị, cần sớm xây dựng lộ trình phù hợp để tiến tới dừng sử dụng hợp lý amiăng trắng tại Việt Nam. Trước tiên nên dừng sản xuất các tấm lợp amiăng.

Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến khác. Loại ý kiến này cho rằng, các kết quả nghiên cứu trên thế giới được viện dẫn trong thời gian qua đều chỉ sử dụng thuật ngữ amiăng chung (trên thế giới đang phân ra hai loại amiăng xanh và amiăng trắng).

Trong khi đó, các tài liệu nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định, amiăng xanh có nguy cơ gây ung thư gấp 500 lần so với amiăng trắng. Ở Việt Nam, trên hệ thống ghi nhận đền bù bệnh nghề nghiệp của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng mới ghi nhận 3 trường hợp được nhận đền bù vì mắc bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với amiăng trắng, trong khi có gần 100 trường hợp khác mắc bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với bụi silic.

Nói cách khác, nguy cơ gây ra bởi amiăng trắng là không lớn.

Một lệnh “cấm” chỉ nên được ban hành khi có các bằng chứng khoa học tin cậy, đồng thời phải có thông báo, tham vấn và đàm phán trước đó.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu giải pháp sử dụng sợi thay thế sợi amiăng trắng do Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành cũng cho thấy, sản phẩm thay thế không đạt được kỳ vọng, do tuổi thọ thấp, chi phí cao, không phù hợp với điều kiện khí hậu và nhu cầu tiêu dùng nước ta…

Báo cáo thể hiện quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì nhận định, đều thống nhất cho rằng, chính sách đối với sử dụng, sản xuất amiăng trắng trước tiên cần quan tâm đến sức khỏe của người dân, của cộng đồng, với tầm nhìn xa; nhưng cũng phải dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khoa học, thận trọng và đặc biệt phải làm rõ tác động xã hội, chi phí xã hội và chi phí với Nhà nước khi thực hiện lệnh cấm với loại vật liệu này.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.