Kết nối và chuyển giao
Song hành với việc ứng dụng công nghệ cao, nhất là ứng dụng IoT trong sản xuất NN đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nghiên cứu - quản lý và chuyển giao - ứng dụng. Trên thực tế có nhiều cái “bắt tay” đã được triển khai thực hiện.
Mô hình trồng lan công nghệ cao của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang. |
HỢP TÁC GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP
Theo bà Lê Thị Kim Loan, Trưởng khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Tiền Giang - ĐHTG), Ban Giám hiệu Trường ĐHTG và Lãnh đạo Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã thống nhất hợp tác, phát triển “Chương trình hợp tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đào tạo giữa Trường ĐHTG và HAGL Agrico”.
Chương trình nhằm trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và chuyển giao khoa học công nghệ giữa hai bên; tạo điều kiện cho sinh viên Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm tiếp cận tốt với môi trường làm việc chuyên nghiệp; từng bước hoàn thiện kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghề nghiệp gắn liền với thực tiễn sản xuất; có ý thức cầu tiến, có động cơ và thái độ học tập đúng đắn, có bản lĩnh trí tuệ vững vàng, có khả năng tự hội nhập và tự phát triển nghề nghiệp và hội đủ yêu cầu chuẩn đầu ra ngày càng cao của nhà tuyển dụng trong và ngoài nước.
Chương trình hợp tác liên quan đến một số nội dung như: Trường ĐHTG sẽ tư vấn - chuyển giao kỹ thuật, công tác khuyến nông, phát triển sản phẩm cho HAGL Agrico; HAGL Agrico sẽ tiếp nhận số lượng sinh viên Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm để gửi đến các cơ sở, nhà máy (thuộc hệ thống công ty) tham quan và thực tập.
Trường ĐHTG sẽ hỗ trợ đào tạo chuyên môn, tư vấn kỹ thuật cho cán bộ của HAGL Agrico như sản xuất nông nghiệp bền vững, sản xuất cây ăn trái hữu cơ, bảo vệ cây trồng, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, nghiên cứu chọn tạo và cung cấp giống mới trên một số loại cây ăn trái, nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ nguồn trái cây, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, các nhân viên của công ty sẽ chia sẻ kiến thức thực tiễn qua các buổi báo cáo chuyên đề cho viên chức và sinh viên của Trường ĐHTG…
Mô hình trồng cà chua bi trong nhà kính của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang. |
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH
Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong sản xuất NN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được triển khai thực hiện và chuyển giao, nhân rộng. Chẳng hạn, Chương trình Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ thanh long nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, tạo tiền đề phát triển công nghệ cao trong sản xuất NN nói chung và thanh long vùng Chợ Gạo nói riêng, góp phần xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai thực hiện. Giải pháp thực hiện chương trình thông qua 8 nội dung (gồm 7 đề tài và 1 dự án), do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) chủ trì thực hiện.
Một trong những điểm nổi bật của chương trình là xây dựng 10 tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho 100 ha thanh long tại xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) nhằm tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cao hơn thị trường tại thời điểm thu mua là 10%.
Hay mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt là mô hình đầu tiên được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) chuyển giao cho nông dân trong năm 2016. Cùng với dưa lưới, mô hình trồng hoa Dạ Yên Thảo, Dừa Cạn, Cà chua bi trong nhà màng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt được triển khai thử nghiệm và dự kiến nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Đề cập đến các mô hình này, TS. Lê Quang Khôi, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học cho biết, các mô hình trồng hoa, rau màu trong nhà màng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cùng với mô hình thủy canh góp phần xây dựng mô hình sản xuất NN đô thị ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo cho ra sản phẩm tốt hơn so với sản xuất theo phương thức truyền thống.
P.A