Thứ Năm, 19/10/2017, 09:13 (GMT+7)
.

Làm gì để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0?

Cách mạng công nghiệp (CN) 4.0 tác động như thế nào, lĩnh vực nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất và làm gì để thích ứng… là những nội dung quan trọng được bàn luận sôi nổi trong thời gian gần đây.

Nhiều công nghệ mới sẽ được ứng dụng trong sản xuất.
Nhiều công nghệ mới sẽ được ứng dụng trong sản xuất.

Tại Hội thảo Ứng dụng IoT trong sản xuất NN và xây dựng thành phố thông minh do UBND tỉnh tổ chức gần đây, ông Nguyễn Văn Re, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang, cho rằng đi cùng cuộc cách mạng CN 4.0 không chỉ là sự thay đổi lớn mang lại các yếu tố tích cực mà còn là những bước đột phá so với cuộc cách mạng CN 3.0. Cách mạng CN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính: Công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý; trong đó, những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số được tác động trực tiếp, còn được gọi là bộ khung của cuộc cách mạng CN 4.0, đó là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và Big Data.

Thực tế đặt ra là, chúng ta cần tiếp cận như thế nào để thích ứng nhanh với cuộc cách mạng CN 4.0. Theo ông Nguyễn Văn Re, chúng ta nên hiểu rằng, cách mạng CN 4.0 không chỉ là một khái niệm, mà nó đã và đang diễn ra, cũng như có sức ảnh hưởng ngày càng lớn đến cuộc sống của con người. Cách mạng CN 4.0 sẽ thay đổi hoàn toàn cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, thậm chí là thay đổi cả hệ giá trị của con người. “Ví dụ như gia đình, một khái niệm cốt lõi và truyền thống nhất cũng đang dần dần biến đổi trước sự phát triển của công nghệ, khi mà giữa các thế hệ có cách tiếp cận khác nhau, hay sự xuất hiện của các công cụ mới như robot làm bạn với con người… Hoặc như lĩnh vực sản xuất, xu hướng robot thay thế con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Nó thể hiện rõ nhất ở các công việc có những thao tác đơn giản khi robot đóng vai trò ngày một lớn. Trong tương lai, con người có thể còn không được làm những công việc đơn giản này khi mà robot làm tốt hơn và chính xác hơn”- ông Nguyễn Văn Re đưa ra ví dụ.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, cách mạng CN 4.0 sẽ mang lại những lợi ích rất lớn. Tuy nhiên, với những quốc gia có nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ như Việt Nam, tác động của công việc này trong giai đoạn đầu có thể là rất tiêu cực. Cụ thể, những công nghệ năng lượng hay vật liệu mới, in 3D sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên, khi thế giới không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động như đào than hay hút dầu.

Do vậy, những công việc lao động thủ công trong các ngành Dệt may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng này. Dự báo cho thấy, 20 năm tới đây, từ 70% - 75% những công việc đơn giản, thủ công trong các ngành này có thể sẽ bị thay thế. Điều này có thể khiến số lượng lao động truyền thống bị mất việc. Trái ngược với những thách thức trên, ảnh hưởng của CN 4.0 trong khía cạnh tiêu dùng là rất tích cực khi Việt Nam có thể được tiếp cận thông tin, tiếp cận được tri thức, tiếp cận được các dịch vụ tiên tiến… Đây được xem là một cơ hội cho nền kinh tế nước ta có một hệ năng lực mới để phát triển.

Để ứng phó cũng như tận dụng những cơ hội mà CN 4.0 mang đến, theo ông Nguyễn Văn Re, chúng ta cần phải có tầm nhìn tốt, một cách tiếp cận tốt hơn so với những gì đã làm với những cuộc cách mạng CN trước đây. Trước hết, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó, hệ thống giáo dục, đào tạo phải đổi mới theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển.

Trong quá trình đào tạo, chúng ta không chỉ truyền tải tri thức mà còn phải dạy sáng tạo, dạy trí tuệ. Từ một nguồn nhân lực có chất lượng, Việt Nam có thể tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn những thành tựu công nghệ của thế giới. Thời gian đầu, nhiệm vụ chính của Việt Nam không phải là phát minh hay sáng tạo, mà chính là phải học một cách có hiệu quả, phải biết “mượn sức” của thế giới bằng việc liên kết, hợp tác với những doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải giải quyết được những vấn đề nội tại cơ bản của nền kinh tế, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế, tạo ra một môi trường minh bạch, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển…

P. A

.
.
.