Thứ Tư, 11/10/2017, 20:28 (GMT+7)
.

Người dân của thành phố thông minh được lợi gì ?

Đề án Xây dựng Mỹ Tho thành đô thị thông minh (hay còn gọi là Smart City) giai đoạn 2017 - 2020 được xây dựng dựa trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và UBND tỉnh Tiền Giang.

Một số mô hình ứng dụng CNTT-VT vào sản xuất phù hợp với thành phố thông minh.
Một số mô hình ứng dụng CNTT-VT vào sản xuất phù hợp với thành phố thông minh.

Theo đó, khung giải pháp Smart City của Tập đoàn VNPT đề xuất sẽ có 4 thành phần cơ bản: Hạ tầng Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT - VT); Trung tâm điều hành thông minh; Dịch vụ (Ứng dụng) thông minh và Thiết bị đầu cuối. Các giải pháp đi kèm bao gồm: Chính quyền điện tử (CQĐT) thông minh, Giải pháp Wifi thông minh, Giải pháp camera thông minh, Du lịch thông minh, Hệ thống thông tin địa lý (Gis) và Hệ thống giám sát môi trường, cảnh báo độ mặn.

Việc triển khai CQĐT thông minh nhằm giảm chi phí hoạt động tại các cơ quan Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo nâng cao hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch thông qua việc triển khai các hệ thống CQĐT: Cổng thông tin điện tử, một cửa điện tử, quản lý văn bản điều hành, email, họp trực tuyến. Theo đó, dự án sẽ nâng cấp các hệ thống CQĐT TP. Mỹ Tho như: Cổng thông tin điện tử, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống phần mềm một cửa điện tử theo hướng tăng cường tiện ích quản lý, giám sát, điều hành của lãnh đạo, tăng cường tính tương tác giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Giải pháp Wifi thông minh nhằm giúp tăng tính tiện ích cho người dân và du khách khi đến TP. Mỹ Tho. Theo đó, du khách, công dân từ các nơi khác đến TP. Mỹ Tho (tham quan hoặc để thực hiện các giao dịch hành chính công, khám, chữa bệnh hoặc sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Mỹ Tho)… sẽ được truy cập internet miễn phí tại các điểm có lắp đặt wifi (thời gian truy cập 20 phút/lần, sau đó sẽ truy cập lại). Khi các thiết bị người dùng kết nối hệ thống wifi của thành phố, hệ thống sẽ kết nối đến Trang thông tin tổng hợp của tỉnh để hiển thị các thông tin gợi ý cần thiết và phù hợp từng khu vực như: Tại các điểm du lịch, khu vực hành chính công, tại các bệnh viện; đồng thời hệ thống lưu vết các hành vi thường xuyên của công dân hoặc du khách, từ đó hệ thống sẽ gợi ý các thông tin cần thiết cho người dân và du khách. Dự kiến dự án sẽ triển khai thí điểm tại Khu du lịch Thới Sơn; sau đó đánh giá hiệu quả giải pháp, nhu cầu sử dụng của du khách, người dân, nhu cầu quảng bá doanh nghiệp, thông tin truyền thông của thành phố, từ đó nhân rộng mô hình cho toàn thành phố và các điểm du lịch khác trong toàn tỉnh (nếu cần thiết).

Việc thực hiện giải pháp Camera thông minh nhằm mục tiêu giám sát tự động việc tuân thủ luật lệ giao thông của người dân tại các điểm, nút giao thông phức tạp như: Giao lộ Hùng Vương và Nguyễn Trãi, giao lộ Lê Lợi và Thủ Khoa Huân, giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Rạch Gầm…; giám sát an ninh trật tự tại các khu vực công cộng có tình hình an ninh phức tạp thường xuyên xảy ra mất cắp, gây rối, lấn chiếm…; kết hợp camera giám sát giao thông của ngành Giao thông - Vận tải và camera an ninh trật tự của ngành Công an; đồng thời tận dụng các camera hiện có đã triển khai trước đây và giải pháp camera dự kiến sẽ triển khai tiếp theo.

Giải pháp Du lịch thông minh giúp tăng cường công tác quảng bá dịch vụ du lịch, các dự án kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát tình hình du khách tham quan tại Tiền Giang, đặc biệt khu vực TP. Mỹ Tho, từ đó các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở định hình, hoạch định chiến lược phát triển ngành Du lịch. Nội dung thực hiện giải pháp này là tập trung vào xây dựng hệ thống Cổng thông tin du lịch, bản đồ du lịch: Quảng bá các địa điểm tham quan du lịch, các khu vui chơi, giải trí, các dịch vụ liên quan đến du lịch… các tiện ích hỗ trợ khách du lịch như hướng dẫn đường đi, xem địa điểm trên bản đồ… Đồng thời, xây dựng hệ thống Quản lý lưu trú khách du lịch: Hỗ trợ các cơ sở lưu trú sẽ báo cáo trực tuyến tình hình khách du lịch lưu trú tại cơ sở đến các cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống cho phép cơ sở lưu trú quản lý hoạt động kinh doanh hằng ngày như đặt phòng trực tuyến, kiểm soát thời gian ra vào của du khách, doanh thu hằng ngày…

Giải pháp xây dựng Hệ thống thông tin địa lý (Gis) nhằm mục tiêu quản lý toàn bộ cơ sở hạ tầng liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, thông tin và truyền thông, nông nghiệp, công thương, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục… xuyên suốt từ cấp tỉnh, huyện, xã. Riêng giải pháp xây dựng Hệ thống giám sát môi trường, cảnh báo độ mặn nhằm giúp thu thập các chỉ số môi trường tại các khu vực trọng yếu của TP. Mỹ Tho như khu công nghiệp, khu vực xả nước thải ra môi trường, nhà máy, xí nghiệp… bằng các thiết bị cảm biến, các trạm quan trắc môi trường, từ đó phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước, người dân và doanh nghiệp được biết để có kế hoạch bảo vệ môi trường…

P. A

.
.
.