Thứ Bảy, 28/10/2017, 15:37 (GMT+7)
.

Tăng cường năng lực ứng cứu sự cố mạng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố, tăng cường năng lực cho các cán bộ, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2025”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo định hướng đến 2025, Đề án xây dựng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng (Cơ quan điều phối quốc gia) thành một đơn vị mạnh, chuyên nghiệp, có năng lực về nhân sự, kỹ thuật, công nghệ để quản lý tình hình sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, phản ứng nhanh, điều phối ứng cứu kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ xử lý các sự cố nghiêm trọng, làm nòng cốt tổ chức triển khai công tác thực thi đảm bảo an toàn thông tin mạng của quốc gia.

Xây dựng Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia (Mạng lưới ứng cứu sự cố) mạnh về chuyên môn, hoạt động chuyên nghiệp, gắn kết, với các đơn vị thành viên có trách nhiệm, hợp tác, kết nối chặt chẽ, đảm bảo điều phối kịp thời, phối hợp đồng bộ, hiệu quả các lực lượng để ứng cứu sự cố mạng, chống tấn công mạng; Xây dựng các đơn vị, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp lớn có năng lực chuyên môn cao, hoạt động chuyên nghiệp, tổ chức phòng ngừa hiệu quả, sẵn sàng phản ứng nhanh, ứng phó xử lý kịp thời các sự cố, tấn công mạng.

Cùng với đó là bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực, chuyên gia ứng cứu sự cố, đảm bảo an toàn thông tin mạng thuộc các thành viên mạng lưới có kiến thức chuyên môn, kỹ năng cao, khả năng nghiên cứu, phân tích, nắm vững nghiệp vụ, có kỷ luật, tuân thủ quy trình, sẵn sàng ứng phó nhanh, xử lý chính xác, kịp thời với các loại sự cố, tấn công mạng.

Mục tiêu hướng tới năm 2020 là nâng cao năng lực của Cơ quan điều phối quốc gia thông qua việc xây dựng các quy trình, nghiệp vụ quản lý, điều phối; đầu tư các hệ thống nhằm chủ động theo dõi, thu thập thông tin sự cố; hệ thống tiếp nhận, lưu giữ và xử lý thông tin sự cố; tăng cường khả năng điều hành và chia sẻ thông tin sự cố; đẩy mạnh các hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố và các đơn vị chuyên trách, cơ quan chỉ đạo, điều hành ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; nâng cao năng lực theo dõi, thu thập, phân tích, phát hiện sự cố và điều phối, ứng cứu sự cố trên toàn mạng lưới; nâng cao nhận thức và tăng cường phổ biến kiến thức về các nguy cơ, sự cố mạng, công tác điều phối, ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ứng cứu sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tăng cường khả năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức an toàn thông tin mạng, ứng cứu sự cố (CERT) của các nước.

7 nhiệm vụ chính

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đề ra 7 nhiệm vụ: 1- Nâng cao năng lực hoạt động Cơ quan điều phối quốc gia; 2- Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố; 3- Tăng cường hoạt động thu thập, phân tích, xác minh và cảnh báo, điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Cơ quan điều phối quốc gia, các đơn vị, tổ chức thành viên của mạng lưới ứng cứu sự cố; 4- Tổ chức các chương trình diễn tập ứng cứu sự cố, phòng ngừa tấn công mạng; 5- Phát triển lực lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng; 6- Tăng cường năng lực và tổ chức hoạt động cho các đơn vị, bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố trên toàn quốc; 7- Xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm chuẩn hóa quy trình, dự phòng rủi ro, bảo vệ an toàn thông tin mạng.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.