.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là con đường tất yếu

Cập nhật: 16:46, 19/10/2017 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp đã được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm thông qua việc ban hành Nghị quyết 06 khóa IX và Nghị quyết 09 khóa IX.

Mô hình trồng rau cải theo phương pháp thủy canh của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học.
Mô hình trồng rau cải theo phương pháp thủy canh của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học.

Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng CNC là một xu thế tất yếu, con đường bắt buộc phải hướng đến đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tiếp nối những kết quả đạt được trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học từ nay đến năm 2015 định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan chỉnh sửa và hoàn chỉnh Dự án Nâng cao năng lực Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) giai đoạn II để trình phê duyệt;

Đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể và hạ tầng khu chức năng, hợp nhất khu thực nghiệm sinh học và Trại nấm vào Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC. Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh và địa phương cũng đã quan tâm đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác đường huyện 39 có chiều dài 4.349 m, nền rộng 7 m, mặt đường láng nhựa 5,5 m nhằm phục vụ giao thông vào Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC và Khu thực nghiệm sinh học.

Song song với việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, các sở, ngành có liên quan cũng tiếp tục triển khai các chương trình, dự án liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng CNC. Đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Phát triển giống và chất lượng cây trồng, vật nuôi, tiêu biểu như:

Duy trì ổn định sản xuất meo giống nấm các loại, sản xuất bịch phôi nuôi trồng cung cấp cho nông dân trong vùng, bảo tồn 8 giống nấm; triển khai Dự án “Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả trên địa bàn tỉnh”; triển khai Đề tài “Phân tích yếu tố nguy cơ và đề xuất một số giải pháp kiểm soát dịch cúm gia cầm trên chim cút”; Đề tài “Khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường và phát tán các vi khuẩn đề kháng kháng sinh từ chất thải chăn nuôi của một số trại heo quy mô vừa và nhỏ tại Tiền Giang và đề xuất giải pháp khắc phục”.

Bên cạnh đó, một số dự án liên quan đến chế biến nông sản cũng đang được triển khai như sản xuất thử nghiệm cơm xốp; các dự án liên quan đến môi trường (Nghiên cứu sản xuất chế phẩm xử lý mùi hôi, tăng cường hiệu quả sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học để xử lý COD, nitơ và phốt-pho hòa tan trong nước thải hữu cơ trên địa bàn tỉnh).

Quy trình tạm thời quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang được triển khai thực hiện.
Quy trình tạm thời quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang được triển khai thực hiện.

Trong khi đó, việc thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đến nay cũng đã mang lại một số kết quả nhất định. Cụ thể, gần đây nhất là Đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC đã được phê duyệt theo Quyết định 2565 ngày 25-8-2017.

Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC
Thời gian qua, các ngành, địa phương có liên quan đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC mang lại hiệu quả thiết thực.

Chẳng hạn, trên cây lúa đã xây dựng 33 mô hình sản xuất tiên tiến theo phương pháp “1 phải 5 giảm gắn với cánh đồng lớn sản xuất lúa” tại huyện Cái Bè và huyện Gò Công Tây; triển khai 14/15 mô hình trình diễn sản xuất lúa giống chất lượng cao, với quy mô 10 ha/mô hình tại các huyện Cái Bè, Tân Phước, Cai Lậy, Gò Công Đông, TX. Cai Lậy và TX. Gò Công. Trên cây ăn trái, các ngành, địa phương cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, điển hình như:

Quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn; Quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long; Quản lý bệnh thối rễ, chết cành trên cây mãng cầu Xiêm; Quản lý bệnh cháy lá và rụng lá trên cây sầu riêng. Đối với thủy sản, các ngành cũng đã triển khai thực hiện thử nghiệm mô hình ương nuôi ốc hương tại Trại giống Thủy sản Tân Thành; thử nghiệm sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá ét mọi…

Theo đó, Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC, với quy mô hơn 197 ha tại xã Tam Hiệp, xã Long Định (huyện Châu Thành) và xã Tân Lập 1 (huyện Tân Phước). Việc thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả CNC trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Đồng thời, hình thành trung tâm nông nghiệp CNC với nòng cốt là các doanh nghiệp nông nghiệp CNC và các tổ chức khoa học, công nghệ và đào tạo tham gia đầu tư để tạo ra CNC phục vụ nông nghiệp của tỉnh và vùng Bắc sông Tiền, hoặc ứng dụng CNC sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đồng thời thực hiện các dịch vụ thực nghiệm, trình diễn, chuyển giao CNC, đào tạo nguồn nhân lực; hình thành và phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp CNC và các dịch vụ khác.

Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang nghiên cứu xây dựng các tiêu chí xác định nông nghiệp CNC và các chính sách nhằm thu hút đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC.

Một trong những điểm nhấn sau thời gian thực hiện Nghị quyết 09 là việc triển khai các đề tài, dự án liên quan đến ứng dụng Nghị quyết 09. Chẳng hạn như, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa giai đoạn 2017 - 2020” trong năm 2017 từ nguồn kinh phí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đến nay, đã xây dựng được 2 mô hình nhân nuôi - phóng thích ong ký sinh bọ cánh cứng hại dừa, bọ đuôi kiềm và hiện đang thu thập thông tin để đánh giá hiệu quả trước và sau khi phóng thích ong ký sinh, bọ đuôi kiềm. Các ngành cũng đã phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện Quy trình tạm thời quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và Quy trình tạm thời quản lý bệnh thối rễ, khô cành trên cây mãng cầu Xiêm trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

P.A

.
.
.