Hợp tác xây dựng và triển khai mô hình cụm khởi nghiệp
Đây là một trong những nội dung chính nằm trong Chương trình hợp tác giữa Viễn thông Tiền Giang (VNPT Tiền Giang) và Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ITP) vừa được ký kết vào ngày 27-10 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc ITP và ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc VNPT Tiền Giang trao đổi bản thỏa thuận. |
Theo nội dung chương trình đã được ký kết, VNPT Tiền Giang và ITP sẽ hợp tác xây dựng và triển khai mô hình cụm khởi nghiệp trên diện tích 7 ha đặt tại Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc VNPT Tiền Giang. Mô hình này sau khi được xây dựng hoàn thiện sẽ đáp ứng tiêu chí gia nhập chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), với mục tiêu trở thành mô hình cụm khởi nghiệp được công nhận là Khu CNTT tập trung đầu tiên của vùng Tây Nam bộ sau khi gia nhập chuỗi QTSC. Bên cạnh đó, VNPT Tiền Giang và ITP sẽ cùng nhau chia sẻ các nguồn lực, thông tin, đối tác, thị trường; hỗ trợ thu hút đầu tư; hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ; hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... “Việc hợp tác giữa ITP và VNPT Tiền Giang sẽ tạo điều kiện phát triển Khu CNTT tập trung tại Tiền Giang, tạo thuận lợi trong việc gia nhập chuỗi QTSC” - ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Thực tế vừa qua cho thấy, sau khi thực hiện chủ trương tái cấu trúc, bên cạnh các dịch vụ viễn thông truyền thống, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) bắt đầu đẩy mạnh phát triển thêm một số mảng dịch vụ khác, trong đó có lĩnh vực CNTT. Các trung tâm CNTT được thành lập ở tất cả các Tổng công ty thành viên và 63 VNPT tỉnh, thành. Nguồn nhân lực CNTT liên tục được tuyển dụng và chuyển đổi từ mảng viễn thông sang. Song song đó, nhiều chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu và phát triển với các trường đại học lớn trên cả nước cũng được VNPT ký kết… Chỉ trong vòng 2 năm, VNPT đã có chỗ đứng nhất định trong làng dịch vụ CNTT Việt Nam, trở thành đối tác tin cậy của nhiều UBND tỉnh, thành, bộ, ban ngành trên cả nước. Giải pháp CNTT của các đơn vị trong Tập đoàn đã được khách hàng đánh giá cao và sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi như VNPT-HIS, VNPT SmartCity…
Nhìn vào kết quả thời gian qua, Trung tâm CNTT thuộc VNPT Tiền Giang là một trong những đơn vị mạnh trong lĩnh vực CNTT của Tập đoàn VNPT. Đơn vị này đã xây dựng không ít các phần mềm, giải pháp mà hiện đang được VNPT triển khai trên toàn quốc như: Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện VNPT - HIS (Hiện đang được triển khai tại gần 7.000 cơ sở y tế, bệnh viện và vào Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2015), Hệ thống Một cửa điện tử VNPT - iGate (đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2016, hiện đang được triển khai tại gần 1.300 cơ quan, đơn vị trên cả nước), Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành VNPT - iOffice (hiện đang được triển khai tại hơn 2.000 cơ quan, đơn vị).
Phát biểu tại Lễ ký kết hợp tác, ông Nguyễn Văn Nhiễn, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, VNPT là tập đoàn kinh tế chủ lực của Nhà nước và là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông và CNTT tại Việt Nam. VNPT luôn tiên phong thực hiện Nghị quyết 36a của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay VNPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với 52 UBND tỉnh, thành và 5 Bộ, ngành về việc triển khai ứng dụng các sản phẩm, giải pháp tích hợp giữa Viễn thông và CNTT trong quản lý, phục vụ chính quyền và người dân. VNPT cũng được tin tưởng, lựa chọn xây dựng Đề án triển khai SmartCity tại 15 thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Kiên Giang, Tiền Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Cà Mau, Cần Thơ, Lào Cai... Để triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên đạt hiệu quả cao, Tập đoàn VNPT cam kết sẽ đồng hành cùng ITP, tạo điều kiện đầu tư, đáp ứng hạ tầng và dịch vụ Viễn thông và CNTT và phối hợp triển khai thực hiện các nội dung sau: Xây dựng và triển khai mô hình cụm khởi nghiệp tại Trung tâm CNTT thuộc VNPT Tiền Giang; hỗ trợ kiện toàn các điều kiện đáp ứng yêu cầu để được gia nhập chuỗi QTSC.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiễn, VNPT hiện có nguồn lực về cơ sở hạ tầng, nhân lực phát triển sản phẩm phần mềm và nhân lực lĩnh vực an toàn thông tin và nhiều sản phẩm phần mềm do VNPT tự xây dựng phát triển đã được thương mại hóa trên toàn quốc, như: VNPT-HIS (Phần mềm khám chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm y tế) hiện đã có 51 tỉnh, thành sử dụng chính thức; VNPT iOffice (Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành) hiện có 55 tỉnh, thành sử dụng chính thức và VNPT-iGate (Phần mềm 1 cửa điện tử) hiện có 29 tỉnh, thành sử dụng chính thức.
Chưa kể, Trung tâm dữ liệu (IDC) của VNPT đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế Tier III và Tiêu chuẩn An toàn thông tin ISO2700:2013. Với kinh nghiệm trong việc thương mại hóa các sản phẩm CNTT, VNPT sẽ hỗ trợ, hợp tác để thương mại hóa các sản phẩm, phần mềm của ITP. “Với các điều kiện thuận lợi và nguồn lực nêu trên, VNPT hy vọng rằng sự hợp tác này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai đơn vị cùng phát huy những thế mạnh, góp phần thực hiện thành công định hướng phát triển ứng dụng CNTT phục vụ chính quyền và người dân, đồng thời là nền tảng phát triển thành công các đề án SmartCity cho đất nước.
Tiền Giang chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 70 km, đồng thời có thế mạnh về cơ sở hạ tầng hiện có của Trung tâm CNTT thuộc VNPT Tiền Giang, với diện tích đất trên 7 ha và hơn 20.000 m2 sàn xây dựng, đáp ứng điều kiện trở thành Khu CNTT tập trung. Bằng kinh nghiệm của ITP, VNPT cũng mong muốn ITP giới thiệu các đối tác đầu tư trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phần mềm, thiết bị công nghệ cao, nông nghiệp thông minh… tại Trung tâm CNTT thuộc VNPT Tiền Giang” - ông Nguyễn Văn Nhiễn nhấn mạnh.
NHÓM PVKT