.

Huyện Tân Phước: Điểm sáng ứng dụng công nghệ thông tin

Cập nhật: 14:42, 09/11/2017 (GMT+7)

Do điểm xuất phát thấp nên thời gian đầu, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính của huyện Tân Phước còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực vượt bậc, Tân Phước đã vươn lên, trở thành một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2015 - 2017.

Hướng dẫn người dân tra cứu hồ sơ.
Hướng dẫn người dân tra cứu hồ sơ.

Có thể nói, những ngày đầu, việc triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện Tân Phước còn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng, trang thiết bị không đồng bộ; cán bộ, công chức từ lãnh đạo đến người sử dụng tiếp cận CNTT còn hạn chế nhiều mặt. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của UBND huyện và sự phối hợp giúp đỡ về chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông, Viễn thông Tiền Giang nên việc triển khai ứng dụng CNTT từng bước đi từ căn bản đến đồng bộ, từ tỉnh xuống huyện và xã; từ lãnh đạo đến công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước.

Để thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT, huyện Tân Phước đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) đều được trang bị máy tính để phục vụ công việc. Năm 2014, huyện đã triển khai ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành kết hợp ứng dụng chữ ký số trong công tác phát hành văn bản. Đến nay, 100% CB-CC-VC của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND các xã, thị trấn được cấp tài khoản và sử sụng thành thạo hệ thống phần mềm này. Hiện tại, 100% cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND các xã, thị trấn đều ứng dụng chữ ký số trong phát hành văn bản đạt 65% trên tổng số văn bản phát hành tại đơn vị.
Ngoài ra, đến năm 2015, huyện đưa vào vận hành phần mềm Quản lý hành chính công (Một cửa điện tử) cho các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn, bước đầu chỉ có 20 lĩnh vực, 155 thủ tục (trong đó có 135 thủ tục ở mức độ 2 và 20 thủ tục ở mức độ 3). Đến nay, huyện đã triển khai trên 74 lĩnh vực với 378 thủ tục, trong đó có 125 thủ tục mức độ 2, 226 thủ tục mức độ 3 và 27 thủ tục mức độ 4.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Văn Nhân cho biết, việc triển khai ứng dụng CNTT đã làm thay đổi hẳn về nhận thức và cách thức làm việc từ lãnh đạo đến CB-CC-VC đã giúp giải quyết công việc hiệu quả, thuận tiện và nhanh chóng hơn. Việc ứng dụng CNTT giúp CB-CC-VC xử lý hồ sơ, công việc được nhanh hơn, giảm được các công việc trùng lắp, giảm áp lực công việc. Ngoài ra, việc theo dõi, đánh giá kết quả giải quyết hồ sơ, công việc được thực hiện công khai, minh bạch, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng biết hồ sơ của mình đã được giải quyết đến đâu, đang ở khâu nào. Quan trọng nhất là thay đổi được ý thức làm việc của cán bộ, nâng cao tính tự giác, trung thực, không đối phó với công việc.

Theo UBND huyện Tân Phước, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước tại địa phương cũng còn gặp một số khó khăn. Mặc dù huyện đã cố gắng trang bị cơ sở vật chất, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện làm việc. Do đó huyện đã tận dụng tối đa thiết bị hiện có, trong đó có cả những thiết bị không đồng bộ nên cũng gặp rất nhiều sự cố. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên thay đổi nên việc rà soát cập nhật lên phần mềm chưa kịp thời; chất lượng đường truyền chưa ổn định, hệ thống phần mềm cũng thường xuyên bị lỗi…

Cũng theo đồng chí Trần Văn Nhân, để việc ứng dụng CNTT trong thời gian tới, cụ thể là giai đoạn 2018 - 2020 đạt hiệu quả hơn, huyện sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng CNTT trong phục vụ hành chính công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Bưu điện tăng cường mở rộng và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà cho các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, phía tỉnh cũng nên thành lập tổ chuyên rà soát, cập nhật các TTHC, đề xuất các TTHC không còn phù hợp để có giải pháp tổ chức thực hiện, cố gắng đảm bảo yêu cầu, chất lượng trong thời gian tới…

M. THÀNH

.
.
.