Thứ Sáu, 15/12/2017, 20:30 (GMT+7)
.

Hiệu quả của việc xử lý chất thải chăn nuôi

Trên thực tế có nhiều mô hình được triển khai thực hiện thông qua Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCASP- gọi tắt là Dự án) nhằm góp phần xử lý toàn diện chất thải trong chăn nuôi như: Xây hầm biogas, ủ phân compost, làm đệm lót sinh học hay sử dụng máy tách phân…

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học tại Tiền Giang.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học tại Tiền Giang.

Một trong những mô hình được đánh giá thành công nhất là hỗ trợ xây dựng hầm biogas. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Phong, Giám đốc Dự án, đến nay Dự án đã hỗ trợ xây dựng được 2.878 hầm biogas cho bà con chăn nuôi. Việc xây dựng các công trình biogas đã cung cấp năng lượng sinh hoạt cho gia đình, góp phần tạo thêm công ăn việc làm; đặc biệt là góp phần giảm gánh nặng công việc cho phụ nữ và trẻ em, giảm ô nhiễm không khí trong nhà và cải thiện vệ sinh trang trại; tạo ra nguồn khí đốt thay thế gỗ, củi và các nhiên liệu hóa thạch khác trong đun nấu, góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Dự án cũng đã hướng dẫn cho rất nhiều hộ chăn nuôi xử lý chất thải bằng biện pháp ủ phân compost. Giải pháp này phù hợp với một số trang trại lớn, số lượng gia súc nhiều, trong khi hầm biogas chưa xử lý chất thải một cách triệt để. Theo giải pháp này, người chăn nuôi chỉ cần đưa một phần chất thải xuống hầm để xử lý, phần còn lại được đem ủ phân compost. Việc ủ phân sẽ tạo nên nguồn phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Nhờ quá trình lên men và nhiệt độ tự sinh của đống phân ủ sẽ tiêu diệt được phần lớn các mầm bệnh nguy hiểm, thậm chí ủ phân có thể phân hủy được cả xác động vật chết khi lượng phế thải thực vật đủ lớn. Trong phân ủ có chứa chất mùn làm đất tơi xốp, tăng khả năng hấp thụ chất khoáng của cây trồng; đồng thời có tác dụng tốt đến hệ vi sinh vật có ích trong đất. Phân ủ còn có tác dụng tốt đối với tính chất lý, hóa và sinh học của đất, không gây ảnh hưởng xấu đến người, động vật và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái. Ngoài ra, việc ủ phân trong chăn nuôi còn giúp tăng thêm thu nhập cho nông hộ từ việc bán phân hữu cơ này.

Gần đây, giá heo luôn ở mức thấp, người nuôi lỗ vốn thời gian dài nên vấn đề giảm giá thành trong chăn nuôi cũng cần phải tính đến. Chính điều này, Dự án đã hướng dẫn người chăn nuôi làm đệm lót có bổ sung chế phẩm sinh học và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả. Mô hình này không những góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp giảm chi phí, giảm bệnh tật, giúp heo tăng trưởng tốt, nâng cao chất lượng thịt, giá bán cao hơn. Sau một thời gian làm đệm lót sinh học, người chăn nuôi có thể dùng phân bón cho cây trồng hoặc bán ra bên ngoài để tăng thêm thu nhập.

Còn đối những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn hơn, từ 1.000 - 2.000 con, người nuôi còn có thể sử dụng máy ép, tách phân để tạo thành phân hữu cơ. Các chất thải sau khi được đưa xuống hố lắng và sử dụng máy bơm đưa lên máy ép, tách thành phân khô, rồi trộn với nấm trichoderma tạo nguồn phân bón cho cây trồng, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng thêm thu nhập cho người nuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, Dự án cũng còn một số khó khăn trong quá trình triển khai như: Việc ủ phân compost khá phức tạp nên người dân chưa quen, chưa áp dụng nhiều. Đối với các mô hình chăn nuôi nhỏ, lẻ, việc xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chưa được người chăn nuôi quan tâm đúng mức. Các trang trại chăn nuôi có quy mô tương đối lớn đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải nhưng mức độ xử lý chưa tốt, công trình khí sinh học thường quá tải, khí sinh học khai thác không hết mà xả thải trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm không khí…

Chính từ thực tế trên, trong thời gian tới, Dự án sẽ hỗ trợ 5 máy ép phân và 2 máy phát điện để làm mô hình cho trang trại chăn nuôi từ 1.000 con heo trở lên nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông hộ.

S.N - T.P (ghi)

.
.
.