Một dự án thân thiện với môi trường
Đó là khẳng định của Tiến sĩ Trần Thanh Phong, Giám đốc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (LCASP - gọi tắt là Dự án) trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, cũng như tăng thêm thu nhập từ chất thải thừa cho các hộ chăn nuôi như: Bán phân hữu cơ, sử dụng chất thải thừa đã qua xử lý bón cho cây trồng, tận dụng làm khí gas để đun nấu; nuôi cá, trùn quế…
Thực hành xử lý chất thải trong chăn nuôi. |
Dự án được thành lập từ cuối tháng 6-2013 và đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Phong, từ khi đi vào thực hiện, Dự án đã hỗ trợ xây dựng gần 3.000 công trình khí sinh học (KSH) quy mô nhỏ dưới 50 m3 ở hầu hết các huyện, thị, thành trong tỉnh; 2 công trình KSH quy mô vừa trên 50 m3 ở xã Điềm Hy (huyện Châu Thành) và xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông).
Thực hiện việc quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và phát triển thị trường cacbon, Dự án đã tổ chức tập huấn trên 140 cuộc, với gần 4.000 nông dân tham gia xây dựng/lắp đặt công trình KSH quy mô nhỏ, về công tác vận hành và bảo dưỡng công trình KSH; tổ chức gần 20 lớp tập huấn cho trên 500 hộ nông dân về xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng phương pháp ủ phân compost, làm đệm lót sinh học, nuôi trùn quế; 22 lớp tập huấn tuyên truyền về công nghệ KSH, quản lý chất thải chăn nuôi cho 870 hộ chăn nuôi (trong đó có 137 nữ) tại 11 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Dự án cũng đã thực hiện 5 buổi tọa đàm trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh với đề tài “Lợi ích từ các công trình KSH”; thực hiện nhiều chương trình phát thanh tuyên truyền trên Đài Truyền thanh của 11 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền về việc hỗ trợ xây dựng, lắp đặt công trình KSH và phối hợp Báo Ấp Bắc tuyên truyền 4 chuyên trang về Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp.
Bên cạnh đó, Dự án còn treo 10 bảng pano tuyên truyền xây dựng, lắp đặt công trình KSH đặt tại các tuyến đường trục chính, nhiều người qua lại; in 20.000 tờ rơi tuyên truyền về việc xây dựng, lắp đặt công trình KSH. Riêng việc hỗ trợ phát triển các công trình KSH, Dự án tổ chức nhiều lớp đào tạo cho 25 kỹ thuật viên công trình KSH và 2 lớp đào tạo cho 34 thợ xây công trình KSH quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Dự án thực hiện kiểm tra 10% công trình KSH quy mô nhỏ đã được xây dựng, lắp đặt các năm trước. Từ khi triển khai đến nay, Dự án đã kiểm tra khoảng 200 công trình KSH đã xây dựng các năm trước. Qua kiểm tra, các công trình đều đảm bảo vận hành tốt và đầy đủ các hạng mục môi trường kèm theo.
Tiến sĩ Trần Thanh Phong cho biết, bên cạnh việc tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, Ban Quản lý Dự án còn mời Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia trong các lớp tuyên truyền về công nghệ KSH và quản lý chất thải chăn nuôi để thông tin về việc hỗ trợ cho vay vốn xây dựng, lắp đặt các công trình KSH. Ngoài ra, trong các hoạt động, Ban Quản lý Dự án còn lồng ghép tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân có nhu cầu vay vốn đến các ngân hàng làm thủ tục vay.
Liên quan đến việc chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp cacbon thấp, Ban Quản lý Dự án đã thực hiện 3 chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các cán bộ ngành Nông nghiệp, cán bộ dự án và kỹ thuật viên của dự án về công nghệ KSH và quản lý chất thải chăn nuôi ở các tỉnh có ngành Chăn nuôi phát triển và các tỉnh thực hiện Dự án. Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án đang chuẩn bị thực hiện 2 mô hình trình diễn: Sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại (dự kiến thực hiện 5 mô hình cho 5 hộ dân) và sử dụng máy phát điện bằng KSH quy mô trang trại (dự kiến thực hiện 2 mô hình cho 2 hộ dân).
Đánh giá lại quá trình triển khai thực hiện và hiệu quả của Dự án, Tiến sĩ Trần Thanh Phong cho biết, Dự án đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, gần gũi, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn. Bên cạnh đó, Dự án đã cung cấp nguồn khí gas phục vụ cho sinh hoạt gia đình, tăng năng suất cây trồng và sản lượng vật nuôi, tạo công ăn việc làm; góp phần giảm gánh nặng công việc cho phụ nữ và trẻ em, giảm ô nhiễm trong nhà và cải thiện vệ sinh chuồng trại; thay thế gỗ củi và các nhiên liệu hóa thạch khác trong đun nấu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
S.N - TTKN