Vận hành và bảo dưỡng công trình hầm khí sinh học
Để tăng hiệu quả và xử lý tốt hơn vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi, một trong các biện pháp đang được thực hiện là xây dựng hầm khí sinh học (hầm biogas). Tuy nhiên, để công trình hầm biogas phát huy hiệu quả tốt nhất, việc vận hành và bảo dưỡng công trình hết sức cần thiết.
Ông Văng Công Hoan tận dụng khí gas để chạy máy phát điện. |
VẬN HÀNH HỆ THỐNG
Khi công trình hầm biogas được xây xong và toàn bộ hệ thống đã chịu lực, người chăn nuôi tiến hành nạp nguyên liệu ban đầu sau khoảng 15 - 20 ngày. Sau đó cần nạp nguyên liệu bổ sung và lấy nguyên liệu đã phân hủy đi. Lượng dịch phân hủy lấy đi bằng lượng bổ sung vào, đảm bảo cho mức dịch phân hủy khi áp suất khí bằng không, luôn ngang với đáy bể điều áp (mức số không). Người sử dụng cũng cần theo dõi hoạt động thực tế của thiết bị sau một thời gian để xác định lượng nguyên liệu nạp bổ sung thích hợp nhất sao cho đạt sản lượng khí cao nhất. Nếu như nạp nguyên liệu quá nhiều hoặc
quá ít đều làm sản lượng khí giảm.
Đảm bảo an toàn Trong quá trình vận hành và bảo dưỡng, người sử dụng cần đề phòng cháy và nổ. Bởi công trình biogas có thể nổ khi được trộn lẫn với không khí ở tỷ lệ 6% - 25%. Vì vậy, nếu trong bộ phận chứa khí hoặc đường ống có không khí cần đẩy không khí ra ngoài trước khi sử dụng. Khi ngửi thấy mùi hăng của khí, chứng tỏ có khí trong không khí. Khi mở nắp bể phân hủy, khi đường ống hở ở trong phòng kín, cần tuyệt đối cấm lửa. Khi dùng bếp và đèn cần chú ý đưa lửa đến gần mặt đốt rồi mới mở van cho khí ra. Nếu ngược lại, hỗn hợp khí sinh học và không khí được tạo ra trước có thể bùng cháy khi gặp lửa. Ngoài ra, sau 3 - 4 năm vận hành hầm biogas, người sử dụng có thể hút bể 1 lần. Trong quá trình hút bể, người dân cần chú ý lấy hết dịch phân hủy đi và chờ bể khô; đợi cho khí sinh học thoát ra hết, có thể quạt không khí vào bể để tống hết khí sinh học ra. Xuống bể phải có người ở trên theo dõi, tốt nhất phải buộc dây an toàn… |
Để hầm biogas vận hành tốt, nguyên liệu nạp vào phải được pha loãng với nước và hòa trộn đều để tạo thành dịch phân hủy đồng đều tại bể nạp. Các tạp chất không phân hủy như: Cát, đá, sỏi, cành cây… phải được loại bỏ. Các ống vào và ống ra phải dẫn thẳng vào bể hầm, không nên có chỗ gấp khúc để tránh nguy cơ bị tắc ống dẫn; kích thước của ống dẫn cần đúng theo tiêu chuẩn của ngành. Đặc biệt là không cho các tạp chất và chất độc sau đây như: Đất, cát, sỏi, đá, que, cành cây, mẩu gỗ, dầu mỡ, xà phòng, thuốc tây, thuốc nhuộm… vào bể phân hủy.
Người sử dụng dùng nước pha loãng nguyên liệu nạp vào hầm biogas một cách hợp lý sẽ tạo điều kiện cho quá trình phân hủy xảy ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều nước sẽ làm cho nguyên liệu chưa kịp phân hủy đã bị đẩy ra khỏi bể phân hủy, năng suất sinh khí giảm, nhanh hình thành váng và dịch thải còn lẫn phân tươi gây ô nhiễm môi trường. Khi nạp phân động vật, người sử dụng cần đậy miệng ống đầu vào, cho phân vào bể nạp và đổ thêm nước với tỷ lệ là 1 - 2 lít nước cho 1 kg phân (tùy thuộc vào phân loãng hay phân khô đặc), sau đó đánh cho phân tan hết và hòa trộn đều với nước tạo thành dịch phân hủy sánh như bùn loãng.
Sau khi nguyên liệu đã được hòa trộn thật kỹ, mở nắp đậy miệng ống đầu vào cho dịch phân hủy chảy xối vào hầm góp phần khuấy đảo dịch phân hủy. Việc khuấy đảo dịch phân hủy có tác dụng tăng đáng kể sản lượng khí; đảm bảo cho nguyên liệu chưa bị phân hủy tiếp xúc được với vi khuẩn nên các phản ứng xảy ra mạnh hơn. Ngoài ra, còn có tác dụng ngăn cản sự hình thành váng. Váng hình thành là do nguyên liệu nhẹ, khó phân hủy như: Chất xơ, chất sáp, chất sừng… nổi lên trên mặt và kết lại với nhau tạo thành. Váng cản trở khí thoát ra khỏi bề mặt dịch phân hủy. Nếu váng quá dày sẽ ngăn hoàn toàn không cho khí thoát ra.
Người sử dụng hầm biogas cũng cần theo dõi áp suất khí, áp suất giảm thấp không thể đạt mức độ bình thường là biểu hiện của sự trục trặc sau đây: Hệ thống có chỗ rò rỉ khí, sản lượng khí giảm thấp, đường ống bị tắc. Một khi sản lượng khí giảm bất thường là đã có những trục trặc trong vận hành hoặc hư hỏng (rò rỉ) của thiết bị, cần phát hiện nguyên nhân kịp thời để tiến hành xử lý.
BẢO DƯỠNG CÔNG TRÌNH
Để bảo dưỡng công trình biogas, trước là giữ cho nắp bể phân hủy luôn được gắn kín để đảm bảo cho đất sét gắn nắp luôn được ướt, thường xuyên theo dõi để giữ cho khí không xì ra qua chỗ gắn đất sét. Tiếp theo lấy bỏ váng và lắng cặn. Nếu váng hình thành quá dày, làm giảm sản lượng khí, cần được lấy bỏ đi. Ở những công trình vận hành kém, người sử dụng lấy váng mỗi năm/lần. Ở những công trình vận hành tốt có thể vài năm mới lấy bỏ váng.
Những chất lắng cặn ở đáy công trình tạo nên bởi các tạp chất như: Đất, cát, đá, gạch vỡ... Các chất lắng cặn làm giảm thể tích phân giải và có thể làm tắc lối vào, lối ra nên cần được lấy ra khỏi công trình. Đối với những công trình có nạp nguyên liệu thực vật, việc lấy lắng cặn được kết hợp với thay nguyên liệu thực vật đã phân giải bằng nguyên liệu mới. Việc lấy bỏ váng và lắng cặn tốt nhất nên làm trước mùa đông để chuẩn bị cho công trình hoạt động thuận lợi.
Ngoài ra, bảo dưỡng hệ thống phân phối và sử dụng khí là xả nước đọng trong đường ống. Nếu đường ống được lắp đặt đúng kỹ thuật (có độ dốc hoặc có bộ phận thu nước đọng) thì nước đọng được tự động xả và không gây ách tắc đường ống. Với những ống bằng chất dẻo mềm, thường có những chỗ võng và nước sẽ đọng lại tại đây. Vì vậy, phải dốc ống để nước xả đi, với tần suất vài ngày một lần. Đồng thời, người sử dụng cần thường xuyên theo dõi và giữ cho mức nước khi áp suất bằng 0 nằm ngang với vị trí số 0 của thước chia; giữ cho nước trong áp kế có màu sẫm để dễ thấy.
Bên cạnh đó cần thường xuyên lau chùi, giữ cho bếp sạch sẽ; thông qua các lỗ đốt, đảm bảo cho các lỗ không bị các vật bẩn bịt nhỏ lại. Sau khi sử dụng đèn đầu tiên phải chú ý tránh va chạm; khi thay mạng mới, phải làm vệ sinh tổ ong, đầu vòi phun, bóng và chao đèn; tránh chạm tay vào mạng cũ hoặc hít phải bụi mạng đã cháy, vì mạng có chất phóng xạ.
S.N - TTKN