Khoa học công nghệ giúp năng suất lúa Việt Nam đứng đầu ASEAN
Khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Hiện, năng suất lúa của Việt Nam đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới…
Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia và nền kinh tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Theo báo cáo của cơ quan quản lý, khoa học và công nghệ đã đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện, trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới sử dụng giống của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Số lượng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5-2% so với năm 2016. Xuất hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo chuỗi giá trị như: Chuỗi sản xuất nuôi tôm, cá tra, nuôi giống tôm hùm.
Điển hình là chuỗi sản xuất tôm từ khâu giống (Công ty Việt Úc), thức ăn cho tôm (Công ty Tôm King). Các tập đoàn, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như Tập đoàn TH True Milk…
Ở lĩnh vực cơ khí và chế tạo, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Tiêu biểu như hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) với tiêu chuẩn của châu Âu được đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu; Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải phát triển chuỗi sản xuất các linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp các loại xe buýt đến 80 chỗ với tỷ lệ nội địa hoá đến 40%...
Thu hoạch lúa. (Ảnh: Vietnam+) |
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14%/năm. Ngành tài chính, ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, ngân hàng điện tử...
Với quốc phòng, an ninh, có tới 87% các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật đã tham gia các cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến, đáp ứng các yêu cầu tác chiến..
Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, có 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do đơn vị này quản lý được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn 1 ngày.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng khắp với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm; 30 cơ sở ươm tạo (BI); 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), góp phần thúc đẩy số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp, gần gấp đôi số lượng năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Số lượng và giá trị các thương vụ đầu tư đã tăng đáng kể.
Trong năm 2018, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực xuất khẩu.
Cùng lúc, nhà quản lý sẽ triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập.../.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/khoa-hoc-cong-nghe-giup-nang-suat-lua-viet-nam-dung-dau-asean/483211.vnp)