Sáng chế thành công máy cuốn rơm
Sau 2 năm mày mò nghiên cứu, kỹ sư Nguyễn Hồng Thiện, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tư Sang 2 (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) đã sáng chế thành công máy cuốn rơm tự hành, mỗi giờ có thể cuốn từ 70 - 120 cuộn rơm. Sáng chế này được trao giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2016 - 2017).
Máy cuốn rơm do kỹ sư Nguyễn Hồng Thiện sáng chế. |
Máy có cấu tạo gồm: Khung sườn và động cơ; bộ phận lấy rơm gồm hàm lấy rơm và băng tải; bộ phận cuốn rơm thành cuộn, buộc dây và nhả rơm; thùng chứa rơm. Máy được gọi là tự hành do bộ phận cuốn rơm, ép rơm, thùng chứa rơm cùng nằm trên khung sườn (máy không tự hành sử dụng đầu kéo rời). Động cơ có công suất 60 HP, mỗi giờ có thể cuốn từ 70 - 120 cuộn rơm (rơm khô có trọng lượng từ 15 - 17 kg/cuộn). Máy cuốn rơm di chuyển trên đồng ruộng nhờ bộ phận truyền động và bánh xích cao su.
Bộ phận cuốn rơm với cấu tạo khung sườn gồm thân trước và thân sau. Thân sau có thể mở ra nhờ xi lanh thủy lực. Trên khung sườn có lắp hệ thống ru lô quay tạo thành buồng ép rơm hình tròn. Khi rơm được nạp vào buồng, những ru lô quay tròn tác động lên rơm làm cho rơm quay tròn theo, bên trong có lắp lá cảm biến rơm. Khi rơm đầy tác động lên lá cảm biến rơm, còi báo hiệu báo cho người vận hành biết để dừng quá trình nạp rơm. Thân trước có giàn cào rơm để nhận rơm từ băng tải; đồng thời thiết kế mạch điều khiển mô tơ xả chỉ để buộc chỉ cho cuộn rơm. Kết thúc quá trình nạp rơm, mô tơ xả chỉ xuống để buộc rơm; buộc xong, người vận hành điều khiển xi lanh thủy lực mở nắp thân sau cho cuộn rơm lăn ra thùng chứa (có thể chứa được 60 cuộn rơm), rồi sau đó đóng nắp lại để thực hiện cuốn cuộn rơm mới.
So với một số máy cuốn rơm cùng loại hiện có trên thị trường, chiếc máy cuốn rơm do kỹ sư Thiện sáng chế có một số điểm nổi trội như: Máy có thể đồng thời cuốn được cả rơm khô và rơm ướt (rơm khô dùng làm thức ăn cho vật nuôi, rơm ướt sử dụng ủ nấm, đậy gốc cây…); sử dụng xích cao su có bề bảng lớn hơn (40 x 90 x 51) nên khả năng vượt lầy tốt; công suất động cơ, thùng chứa rơm, hàm lấy rơm đều lớn hơn nên năng suất cuốn rơm có thể đạt 120 cuộn/giờ (máy cuốn rơm khác công suất tối đa chỉ đạt 100 cuộn/giờ). Đặc biệt, do bộ phận cuộn rơm tự động sử dụng nguồn điện từ dynamô nên khi chỉ bị đứt chỉ cần bấm lại nút điều khiển xả chỉ, công đoạn buộc chỉ lại được tiếp tục (một số máy khác khi chỉ bị đứt phải luồn lại từ đầu rất bất tiện)...
Tính từ khi sáng chế thành công chiếc máy cuốn rơm đầu tiên, đến nay kỹ sư Thiện đã xuất bán gần 100 máy cho nông dân trong tỉnh và một số tỉnh bạn như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng…, với mức giá 270 triệu đồng/máy. Qua vận hành, sử dụng, đa số nông dân đều đánh giá cao tính năng, hiệu quả sử dụng của chiếc máy trên, đặc biệt là công suất cuốn rơm cao nhưng mức tiêu hao nhiên liệu lại thấp.
HỒNG THIỆN - YẾN HUỲNH