Thứ Ba, 13/03/2018, 22:28 (GMT+7)
.

Dùng dầu ăn đã sử dụng làm nhiên liệu cho xe buýt và tàu thủy

Theo tin từ Rome, các tàu buýt đường thủy ở “thành phố nổi” Venice của Italy sẽ sớm được sử dụng một loại nhiên liệu thân thiện với môi trường mà được làm từ dầu ăn đã qua sử dụng.

Loại nhiên liệu này, có thể tái chế ở mức khoảng 15%, sẽ được sản xuất tại một nhà máy ở Venice. Nguyên liệu thô để sản xuất loại nhiên liệu này là dầu ăn đã qua sử dụng của các hộ gia đình địa phương.

(Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)
(Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Bước đầu, chính quyền thành phố sẽ cho dùng thử nghiệm loại nhiên liệu này trong 7 tháng, từ tháng Tư đến tháng 10-2018, và tiếp đó mới ký một thỏa thuận với Công ty dầu khí quốc doanh Eni, doanh nghiệp vận tải Avm và Công ty dịch vụ công cộng Veritas.

Nhà chức trách sẽ giám sát mức khí thải trong suốt quá trình thử nghiệm để đi đến quyết định liệu có tiếp tục dùng loại nhiên liệu này về lâu dài hay không.

Công ty Veritas, vốn chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải ở Venice, sẽ chuyển các loại dầu ăn đã qua sử dụng đến nhà máy tinh chế nhiên liệu sinh học của Eni - nơi các nguyên liệu thô như mỡ và dầu ăn có thể được sản xuất thành một loại nhiên liệu sinh học gọi là dầu “Eni Diesel+.”

Loại nhiên liệu “Eni Diesel+” hiện cũng đã được thử nghiệm cho các xe buýt ở thành phố Turin, miền Bắc Italy.

Ủy viên Hội đồng phụ trách phát triển kinh tế của Venice, ông Simone Venturini đánh giá việc đưa vào sử dụng loại nhiên liệu trên là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc bảo vệ môi trường.

Hồi cuối năm 2016, Venice cũng đã đưa vào sử dụng các loại xe buýt đường thủy chạy điện nhằm hướng tới một ngành vận tải công cộng thân thiện hơn với môi trường.

Lâu nay, các loại tàu thuyền ở Venice, nhất là các tàu du lịch cỡ lớn, là tác nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở thành phố này.

Hồi tháng 7-2017, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Italy Graziano Delrio cũng đã tuyên bố sẽ sớm cấm các tàu cỡ lớn vào trung tâm lịch sử của Venice.

(Theo TTXVN)

.
.
.