Người trẻ và niềm đam mê sáng tạo
Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều cán bộ, công đoàn viên với tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học đã sáng kiến ra nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao.
SÁNG TẠO GẮN VỚI CUỘC SỐNG
Anh Thái bên thiết bị theo dõi thời tiết và điều khiển máy bơm nước do anh sáng tạo. |
Anh Nguyễn Quốc Thái, hiện là nhân viên dựng phim và thiết kế đồ họa, Phòng Chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang.
Là Thạc sĩ Khoa học máy tính, anh Thái nhận thấy ngoài việc tưới tiêu cho cây trồng, nông dân cần phải quan tâm đến thời tiết nông vụ ở địa phương.
Tuy nhiên, việc theo dõi thông tin thời tiết qua báo, đài hoặc đăng ký các dịch vụ gói cước dự báo thời tiết của các nhà mạng viễn thông di động mất nhiều thời gian, chi phí nhưng hiệu quả không cao.
Trong khi đó, nhiều nơi nông dân đã sử dụng các máy bơm nước cùng với hệ thống tưới tiêu khoa học như điều khiển từ xa qua remote bluetooth, mạng Wifi.
Mỗi thiết bị có ưu điểm, khuyết điểm khác nhau nên không thể nơi nào cũng có thể áp dụng được như thiết bị điều khiển điện bằng bluetooth không thể điều khiển được nếu vượt quá khoảng cách tối đa cho phép, còn Wifi chỉ thích hợp trong nhà xưởng, không khả thi ở ngoài trời với những cánh đồng rộng lớn.
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, anh đã sáng tạo thành công giải pháp “Thiết bị theo dõi thời tiết và điều khiển máy bơm nước từ xa qua mạng GSM hỗ trợ nông dân trong việc tưới tiêu cây trồng”.
Giải pháp này giúp người dùng điều khiển được thiết bị mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có điện thoại di động (tất cả các loại), giảm được công sức và thời gian đi lại của nông dân khi vườn ở xa nhà.
Ngoài ra, thiết bị sẽ gửi tin nhắn đến người dùng, thông tin định kỳ hằng ngày về nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất và báo mưa thông qua các cảm biến được đặt tại chỗ; đồng thời, giám sát được các chỉ số thời tiết cũng như môi trường tại vườn.
Anh Thái cho biết, trên thị trường có các thiết bị điều khiển bằng tin nhắn SMS, nhưng các thiết bị này có độ bền không cao, cú pháp nhắn tin rườm rà, tính bảo mật rất thấp. Vì thế, anh đã cải tiến cú pháp tin nhắn đơn giản hơn và thay đổi theo nhu cầu người dùng.
Các cảm biến được gắng thêm thiết bị để có thể cho biết chính xác các thông số cần thiết cho nông dân về thời tiết, cũng như chỉ số cây trồng.
Đặc biệt là việc chỉ có số điện thoại được cài đặt mới có thể điều khiển, cũng như nhận tin nhắn giúp đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho thiết bị, tránh các tác nhân bên ngoài tác động làm ảnh hưởng hoặc sai lệch các chỉ số của thiết bị (thay đổi số điện thoại điều khiển được thực hiện khi có sự xác nhận từ số điện thoại điều khiển trước đó).
Hơn nữa, sản phẩm này có giá thành thấp, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, tiết kiệm được công lao động, dễ dàng lắp đặt, thay thế và an toàn khi sử dụng.
Sử dụng giải pháp này, nông dân không còn bị lệ thuộc vào thời gian tưới vườn, từ đó giúp phát triển quy mô sản xuất. Ngoài ra, người dùng chỉ cần gọi điện đến số máy được gắn trong thiết bị là sẽ thay đổi trạng thái của máy bơm.
Hiện nhiều hộ nông dân trồng cây ăn trái, hoa kiểng trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bến Tre, Trà Vinh… đã áp dụng và đánh giá cao giải pháp này.
Ngoài bơm nước tưới tiêu, sản phẩm còn sử dụng cho các thiết bị điện khác như đèn, quạt, máy lạnh…; áp dụng cho khu vườn thông minh, hệ thống thủy canh được điều khiển hoàn toàn tự động, sử dụng cho các hệ thống điện trong môi trường nguy hiểm, độc hại cho người điều khiển trực tiếp.
Từ những ưu điểm trên, giải pháp đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII năm 2016 - 2017; được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh... và đang đề nghị tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Từ thành công trên, tới đây anh Thái sẽ tìm hiểu thêm về khả năng áp dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất nông nghiệp ở địa phương; cải tiến thiết bị hiện tại, sáng tạo thêm nhiều thiết bị khác với phương châm: Công nghệ phải hiện đại nhưng sử dụng phải đơn giản và giá thành phải hợp lý.
XÂY DỰNG THÀNH CÔNG QUY TRÌNH NUÔI CẤY NẤM QUÝ HIẾM
Chị Thanh rất đam mê nghiên cứu lĩnh vực công nghệ sinh học. |
Ở lĩnh vực khác, chị Đào Thị Tuyết Thanh, Trưởng phòng Dạy nghề - Việc làm thuộc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, đã mày mò, nghiên cứu và mạnh dạn đầu tư thiết lập thí nghiệm để nghiên cứu thành công quả thể nấm đông trùng hạ thảo vào tháng 4-2016 (chuyên môn chính của chị là nuôi cấy mô thực vật).
Đó là kết quả của sự nhẫn nại, chịu khó trong nghiên cứu khoa học và sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị; sự ủng hộ, động viên của đồng nghiệp.
Chỉ với điều kiện nuôi cấy đơn giản, thiết bị, máy móc sản xuất ở quy mô nhỏ nhưng bước đầu chị đã xây dựng được quy trình nuôi cấy loại nấm quý hiếm này.
Dù vậy, do nấm này còn mới lạ và giá thành sản xuất còn cao nên việc sử dụng trực tiếp sản phẩm dạng tươi hoặc sấy khô rất hạn chế đối với người tiêu dùng.
Từ đó, chị băn khoăn, trăn trở tìm cách để mọi người đều có thể tiếp cận được sản phẩm dễ dàng, thời gian bảo quản được lâu, mà vẫn giữ được dược tính của nấm với giá cả hợp lý hơn.
Thế là chị tiếp tục thử nghiệm quy trình ngâm rượu từ sản phẩm nấm do mình nuôi cấy được. Từ đó, chị đã tạo được sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo Thiên Phú với giá thành từ 150.000 đến 500.000 đồng/cặp, rẻ hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 2 - 3 lần.
Giải pháp trên đã mang về cho chị giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII 2016 - 2017 với giải pháp: “Nghiên cứu nuôi cấy nấm dược liệu đông trùng hạ thảo nhân tạo cho sản xuất rượu”.
Chị Thanh cho biết: “Hiện tại, tôi đang phối hợp với một số cá nhân và doanh nghiệp phát triển sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo này để được bán rộng rãi trên thị trường”. Được biết, với niềm đam mê về lĩnh vực công nghệ sinh học, trong thời gian tới, chị cho biết sẽ nghiên cứu thêm về các giống cây trồng và loài nấm dược liệu.
LÝ OANH