Thứ Hai, 30/07/2018, 15:12 (GMT+7)
.

Khoa học và công nghệ hướng đến công nghiệp 4.0

Lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) góp phần thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy vậy, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu KH&CN chưa được áp dụng vào thực tiễn, chưa nhân rộng ra người dân.

Việc đưa KH&CN vào thực tế và nhân rộng ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được lãnh đạo các tỉnh, thành và các nhà khoa học bàn bạc khá sôi nổi trong những ngày vừa qua.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được người dân hướng đến.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được người dân hướng đến.

NÂNG CAO SẢN PHẨM CHỦ LỰC

Trước biến đổi khí hậu và tồn tại nhiều hạn chế trong sản xuất nông nghiệp nên việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất ngày càng cấp bách.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chủ lực về thủy sản, trái cây, lúa… tại vùng ĐBSCL đang khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và suy thoái đất đai bởi tác động biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác".

"Sản phẩm chủ lực vùng bị cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực kém bền vững… Vì vậy, giải pháp khoa học liên ngành kết hợp công nghiệp thông minh và ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội để tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực”.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn yêu cầu cần có nhiều chính sách thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL.

Vì vậy, Nhà nước cần chú trọng tăng đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân, cải thiện tiếp cận tín dụng cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; cần có chính sách về đất đai, cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề và chuyển đổi lao động, cũng như đổi mới quản lý nhà nước.

Tham quan, tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.            						                                                                                                                                          Ảnh: nguyễn sự
Tham quan, tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ảnh: Nguyễn Sự

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng: “Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đang là vấn đề thời sự. Vì vậy, ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung cần đặt ra là thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng và đề cao hơn nữa vai trò KH&CN, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất; xây dựng nền nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi giá trị mà những sản phẩm chủ lực của vùng là lúa chất lượng cao, cây ăn trái cây đặc sản, thủy sản…”.

Nhân chuyến làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&CN vào chiều 27-7, tỉnh Tiền Giang kiến nghị và đề xuất Bộ KH&CN xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ địa phương tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư Khu thực nghiệm công nghệ sinh học 20 ha của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng đặt hàng Bộ KH&CN nghiên cứu chọn tạo các giống sầu riêng có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho sản xuất của các tỉnh phía Nam; nghiên cứu xây dựng hệ thống về chỉ dẫn địa lý để áp dụng, duy trì và phát triển bền vững cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc và vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ghi nhận và cho biết sẽ chung tay cùng các bộ, ngành và tỉnh giải quyết trong thời gian tới.

KẾT NỐI VÙNG

Theo Bộ KH&CN, giai đoạn 2016 - 2018, Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho các địa phương vùng ĐBSCL triển khai 91 nhiệm vụ, với tổng kinh phí trên 1.177 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách sự nghiệp KH&CN trung ương hỗ trợ trên 600 tỷ đồng, kinh phí địa phương đối ứng trên 576 tỷ đồng.

Với ưu thế là nguồn kinh phí lớn, nội dung có hàm lượng khoa học cao, quy mô lớn; chất lượng nội dung triển khai của các đề tài, dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn, giải quyết các vấn đề mà khả năng nhân lực cũng như nguồn tài chính của địa phương không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Các nhiệm vụ phần lớn tập trung vào thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng và của địa phương theo chuỗi giá trị như: Cá tra, tôm, dừa, trái cây… Các công nghệ tạo ra đã có tác động rất mạnh mẽ, lan tỏa trong sản xuất, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia…

Theo báo cáo từ Bộ KH&CN, đối với các địa phương, giai đoạn 2016 - 2018 Sở KH&CN các địa phương trong vùng ĐBSCL đã triển khai 631 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược…

Nhiệm vụ KH&CN của các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cũng tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ thông tin và viễn thông, vật liệu mới, công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ chế biến các mặt hàng rau - quả phục vụ nội địa và xuất khẩu, năng lượng, bảo vệ môi trường…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Nếu vận dụng tốt KH&CN để áp dụng vào thực tiễn thì tốc độ phát triển sẽ cực nhanh. Tuy vậy, để KH&CN đưa được vào thực tiễn thì cần sự chung sức của nhiều ngành, nhiều cấp.           

Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ KH&CN, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh cho biết: “Mặc dù Bộ KH&CN đánh giá cao những kết quả về KH&CN của Tiền Giang, nhưng tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Những vướng mắc mà tỉnh Tiền Giang đang gặp phải cũng là khó khăn chung của cả nước. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách; việc đầu tư cho KH&CN còn rất thấp, lực lượng cán bộ nòng cốt còn ít; sự phân bổ lực lượng KH&CN chưa hợp lý, chưa đồng bộ. Vì vậy, những đề tài, dự án phải mất thời gian rất dài và chưa được đưa vào ứng dụng…”.

         SĨ NGUYÊN

.
.
Liên kết hữu ích
.