Siemens có thể giúp Việt Nam "đi tắt đón đầu" cuộc Cách mạng 4.0
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit) tổ chức tại Hà Nội ngày 13-7, công ty Siemens Việt Nam đã có bài thuyết trình về thúc đẩy tiến trình số hóa của doanh nghiệp, đồng thời vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm gian hàng của Siemens tại Industry 4.0 Summit (Nguồn: Siemens Việt Nam) |
Công ty công nghệ hàng đầu của Đức đã giới thiệu với Thủ tướng một số công nghệ mới nhất của Siemens, lần đầu được trình diễn tại Việt Nam như hệ điều hành MindSphere – hệ điều hành mở kết nối vạn vật dựa trên nền tảng điện toán đám mây, các Apps thực tế ảo (VR) của turbine khí hạng nặng dòng H và HL, và Bản sao Số (Digital Twins) chạy trên hệ điều hành MindSphere.
“Thời gian vừa qua đã có rất nhiều cuộc trao đổi qua lại giữa cấp lãnh đạo của chính phủ Việt Nam và các thành viên cấp cao của tập đoàn Siemens AG về việc làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng và sẵn sàng bước vào kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0 bởi vì Siemens là một trong các đơn vị tiên phong về công nghiệp 4.0 – một sáng kiến được khởi nguồn từ chính phủ Đức, các viện hàn lâm và doanh nghiệp Đức," Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Việt Nam Phạm Thái Lai chia sẻ.
Theo, ông Phạm Thái Lai, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này sẽ là cơ hội để Việt Nam “đi tắt, đón đầu” và trở thành quốc gia công nghiệp về trung hạn.
"Siemens luôn cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trên con đường này. Đặc biệt chúng tôi có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tận dụng lợi ích số hóa từ MindSphere,” ông Lai cho biết.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, với chủ đề “Tầm nhìn và Chiến lược Phát triển Đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng nền công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Song song với chương trình Hội thảo, triển lãm thu hút khoảng 50 gian hàng đến từ các ngành/lĩnh vực chủ chốt như: Công nghiệp, Nông nghiệp, Năng lượng, Viễn thông, Y tế, Giao thông, Tài chính – Ngân hàng, Thương mại điện tử…/.
(Theo TTXVN)