Thứ Năm, 23/08/2018, 22:08 (GMT+7)
.

Hướng đến nền nông nghiệp "sạch" bằng phân hữu cơ

Để hướng đến nền nông nghiệp “xanh, sạch, an toàn và bền vững”,  việc sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố then chốt. Những năm gần đây, người làm nông nghiệp của tỉnh đã bắt đầu ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng nhiều hơn. Sử dụng loại phân bón này đã giúp người dân tạo ra sản phẩm “sạch”, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.

Bón phân hữu cơ cho cây đu đủ.
Bón phân hữu cơ cho cây đu đủ.

NHIỀU MÔ HÌNH ĐÃ ÁP DỤNG

Từ nguồn phân bò thải ra, gia đình ông Võ Văn Hai, ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) đã đem ủ hoai và bón cho hơn 300 gốc bưởi da xanh hơn 5 năm tuổi.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn, ông Hai cho biết, nhờ bón phân hữu cơ mà vườn bưởi da xanh của gia đình mới xanh mướt và kéo dài được thời gian như thế này. Tất nhiên, vườn bưởi này cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật, nhưng phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố quan trọng. Bởi phân hữu cơ có tác dụng làm tơi xốp đất, giúp tăng khả năng giữ nước và hạn chế được sâu bệnh gây hại...

“Nếu sử dụng phân bón hóa học quá nhiều, lá cây sẽ to và mỏng hơn nên dễ bị sâu ăn lá và các loại sâu bệnh phá hoại. Ngược lại, khi sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp các bộ phận cành, lá, cây cứng cáp hơn, lá dày, khả năng chịu đựng các điều kiện bất lợi cũng tốt hơn. Do vậy, cây ít bị sâu bệnh gây hại”- ông Hai chia sẻ kinh nghiệm.

Tham quan, học hỏi và thấy việc bón phân hữu cơ mang lại hiệu quả cao cho vườn cây ăn trái, ông Võ Thành Minh, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) đã mua 60 bao phân heo ủ hoai về bón cho 150 gốc bưởi da xanh của vườn nhà.

Qua 1 năm sử dụng, hiệu quả mang lại khá cao: Vườn bưởi xanh tốt, ít sâu bệnh…, nên ông đang đặt mua thêm 30 bao phân heo nữa để bón cho vườn bưởi. Ông Minh cho biết, trước đây gia đình bón phân gà tươi cho vườn bưởi, mùi hôi rất khó chịu nên ông chuyển sang bón bằng phân heo hoai. Bước đầu, bón phân heo không gây mùi hôi nhưng cây vẫn tốt như bón phân gà.

Theo các chuyên gia, khi nông dân sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ, phân bón hóa học trong trồng trọt và sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại 4 lợi ích: Thứ nhất là bảo đảm môi trường sống và nguồn nước “sạch” hơn; thứ hai là môi trường canh tác, cây trồng sẽ “khỏe hơn”, giảm phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc trừ sâu, cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật khác; thứ ba là cho ra nông sản “sạch” và an toàn hơn, có giá trị hơn trên thị trường, tăng khả năng xuất khẩu; và cuối cùng là tận dụng được các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để tái sử dụng được vào sản xuất phân bón hữu cơ, thúc đẩy sự phát triển, cũng như ứng dụng của phân bón hữu cơ trong nền nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Chính phủ chủ trương tăng nhanh tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ một cách hợp lý trong sản xuất nông nghiệp, để vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản; đồng thời, phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học.

Tương tự, gia đình ông Lê Văn Thuận, ấp Thanh Hưng, xã Thanh Hòa (TX. Cai Lậy) cũng sử dụng nguồn phân heo đã được ủ hoai làm phân hữu cơ bón cho vườn bưởi da xanh và vườn mít.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thuận cho biết: “Tôi sử dụng phân heo đã được ủ hoai làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, phần còn thừa cho xuống hầm khí sinh học để vừa không làm quá tải hầm, vừa đảm bảo môi trường… Việc tận dụng nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi sẵn có để bón cho cây trồng không chỉ giúp cây phát triển bền vững, mà còn hạn chế được chi phí trong quá trình sản xuất trong tình hình giá phân vô cơ trên thị trường quá cao”.

Theo các nông dân đã áp dụng bón phân heo, bò ủ hoai, việc bón các phân này trực tiếp cho cây trồng hoặc phối trộn với các loại nguyên liệu hữu cơ khác tạo thành các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh… giàu dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, tạo một lớp đất tơi xốp, bộ rễ của cây rất dễ phát triển mạnh. Với lớp đất này, người dân không sợ đất bạc màu do sử dụng phân bón vô cơ.

HỮU ÍCH TỪ PHÂN BÓN HỮU CƠ

Phân bón hữu cơ là một trong những loại phân bón được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, với công dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng phát triển, nâng cao độ tơi xốp và màu mỡ cho đất. Bón phân hữu cơ cho đất có tác dụng cân bằng độ pH, bổ sung những dưỡng chất bị thiếu hụt, mất đi trong quá trình canh tác, gieo trồng và sản xuất nông nghiệp không đúng cách cho đất.

Theo các nhà chuyên môn, khi bón phân hữu cơ cho đất, dưới tác động của môi trường, với độ ẩm và nhiệt độ thích hợp, các Hydrat cacbon sẽ được phân giải chậm thành mùn, axit humic, các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Các chất hữu cơ giúp tăng khả năng thấm thoát nước tốt; đồng thời, giúp cho bộ rễ của cây phát triển nhiều và tăng lượng oxy trong đất.

Việc bón phân hữu cơ sinh học được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thẩm định chất lượng sản phẩm khuyến khích nên sử dụng. Bởi các chuyên gia cho rằng, dù là một giống cây trồng nhưng trồng trong các điều kiện canh tác khác nhau sẽ mang đến chất lượng khác nhau.

Đặc biệt, các loại cây trồng ngắn ngày như cây hoa màu, cây rau dễ bị ảnh hưởng đến chất lượng nhất. Nếu sử dụng lạm dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng cho các cây trồng này, thì hàm lượng các chất trên sẽ bị tồn đọng lại ngay trong thời gian thu hoạch và không có đủ thời gian để phai thuốc.

Do đó, nếu nông dân hướng đến việc xuất khẩu các nông sản, sản phẩm có chất lượng cao, thì các chuyên gia khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ để canh tác, vừa mang lại chất lượng tốt, vừa không gây ô nhiễm môi trường và giữ nguyên được kết cấu đất.

Sau mỗi vụ thu hoạch, việc bổ sung đầy đủ bằng bón phân hữu cơ cho đất sẽ làm cho đất tơi xốp, các chất mùn trong phân bón hữu cơ sẽ trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho các loài vi sinh vật có lợi phát triển, sinh sôi tăng trưởng về số lượng và ức chế, giúp suy giảm số lượng các vi sinh vật có hại.

SN - TTKN

.
.
.