Môi trường trong chăn nuôi - những điều trăn trở
Nước ta có hơn 11 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, hằng năm ngành Trồng trọt sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón, nhưng trong đó chỉ có khoảng 1 triệu tấn phân hữu cơ. Sự không cân đối giữa lượng phân bón vô cơ và hữu cơ đã dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững (Bùi Bá Bổng, 2017).
Trong những năm gần đây, ngành Chăn nuôi nói chung, chăn nuôi heo, gà, bò nói riêng phát triển và có nhiều tiến bộ. Trong đó, quy mô chăn nuôi hộ gia đình giảm dần và được thay bằng các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn. Nhờ đó, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào ngành Chăn nuôi được đồng bộ và có tính chuyên môn hóa cao.
Với sự gia tăng về quy mô chăn nuôi, hằng năm lượng phân chuồng thải ra môi trường cũng tăng theo. Theo số liệu thống kê, năm 2016 nước ta có tổng đàn gia cầm 361,7 triệu con, đàn heo 29,08 triệu con, đàn bò 5,5 triệu con và đàn trâu 2,51 triệu con, thì hằng năm có khoảng 84,5 triệu tấn chất thải rắn, 50 triệu m3 chất thải lỏng (từ nước tiểu, nước rửa chuồng, bãi chăn thả, sân chơi…).
Trong đó, có khoảng 60% được xử lý, 20% sử dụng có hiệu quả như làm khí sinh học (KSH), ủ làm phân bón, nuôi trùn, cho cá ăn…, còn khoảng 40% lượng chất thải chăn nuôi vẫn được thải trực tiếp ra môi trường (Nguyễn Thế Hinh, 2017). Số liệu thống kê cho thấy, lượng chất thải rắn cao nhất là ở heo, với 26,53 triệu tấn/năm, gia cầm là 26,41 triệu tấn/năm.
Với các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như ủ phân compost, làm hầm biogas, bón cho cây trồng…; trong đó, biện pháp xử lý bằng làm hầm biogas (KSH) được đánh giá là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực như giảm khí thải CH4 và sản xuất năng lượng sạch.
Tiền Giang có hơn 11.000 công trình KSH, sản xuất ra trên 9 triệu m3 khí gas/năm, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khoảng 4 triệu tấn CO2 với chi phí giảm cho vùng đồng bằng là 4,1 USD/tấn CO2, mang lại giá trị kinh tế khoảng 24 tỷ đồng về chất đốt (Mai Văn Trịnh và CTV, 2017).
Do đó, việc tận dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các công trình KSH sẽ góp phần làm giảm sự nóng lên của trái đất, mà còn hướng nền sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng nông nghiệp cacbon thấp và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình KSH hiện nay vẫn gặp khó khăn do chi phí xây dựng công trình còn cao so với đa số hộ chăn nuôi. Mặc dù với mức hỗ trợ của dự án cho mỗi công trình KSH từ 3 đến 5 triệu đồng, nhưng với giá đầu ra của heo, gà không ổn định, làm cho người chăn nuôi cũng không mạnh dạn tham gia.
Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi như: Xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung, công nghệ điện KSH, vi sinh vật phân giải nhanh chất thải… và giải pháp kỹ thuật được khuyến cáo áp dụng chung cho các trang trại chăn nuôi trong xử lý chất thải là đa dạng các hình thức xử lý chất thải tại từng trang trại.
Nếu sử dụng biện pháp gom phân và ủ compost thì phải gom và tách nguồn phân thải và nước thải ngay từ đầu. Để đạt được kết quả tối ưu, cần thiết kế chuồng trại cho phù hợp, điều chỉnh khẩu phần ăn của vật nuôi, giảm lượng nước rửa chuồng. Biện pháp này thích hợp trong nuôi heo nái, vì phân heo nái có nhiều chất xơ, phân rắn và dễ thu gom.
Nếu xử lý chất thải bằng hầm KSH thì cần đưa vào hầm lượng phân vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít để hầm KSH hoạt động tốt nhất. Lượng phân thừa cần được thu gom và xử lý, không để hầm KSH bị quá tải.
Lượng khí gas hiện nay thường bị dư thừa, không sử dụng hết, khuyến cáo các trang trại nên sử dụng khí gas để đun nấu, thắp sáng, phát điện cho sinh hoạt và sản xuất, không thải khí gas thừa ra môi trường sẽ gây phát thải khí nhà kính.
Đối với nước thải và chất thải rắn sau biogas có thể sử dụng để bón cho cây trồng hoặc cho cá ăn. Tuy nhiên, việc đưa chất thải xuống ao cho cá ăn dễ gây ô nhiễm nguồn nước ao, do phân heo rất nhanh phân hủy trong nước, hơn nữa trong phân còn chứa các vi sinh vật có thể gây bệnh cho cá và ảnh hưởng sức khỏe con người.
Khi bón cho cây trồng cũng cần chú ý bón phân đã được ủ hoai để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm thực phẩm. Do đó, đối với lượng phân thừa sau khi đã cho vào hầm KSH, cần gom lại đem đi xử lý một cách hợp lý (ủ phân hữu cơ) để tránh ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Một giải pháp quan trọng cần tính đến là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ thông qua việc chọn tạo các giống vật nuôi có năng suất cao, chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, thay các giống gia súc năng suất thấp bằng các giống có năng suất cao với phương thức cho ăn tốt hơn, giảm lượng phát thải nitơ và photpho ra môi trường (chăn nuôi cacbon thấp).
Bên cạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình phát điện từ khí gas, cần tăng cường tìm kiếm thị trường cacbon trong và ngoài nước để bán tín chỉ cacbon phát thải, góp phần thúc đẩy công nghệ KSH phát triển bền vững.
TS. TRẦN THANH PHONG