Sở Công thương: Hiệu quả tích cực từ ứng dụng công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin (CNTT) đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản lý, điều hành các hoạt động tại các cơ quan, đơn vị. Sự phát triển và ứng dụng của Internet đã góp phần tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Trong đó, Sở Công thương là một trong những đơn vị ứng dụng thành công CNTT trong quản lý, điều hành và phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.
Ứng dụng CNTT trong quản lý và điều hành tại Sở Công thương. |
Để thực hiện Chuyên đề thi đua “Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước” do UBND tỉnh phát động, ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch, phát động thi đua trong toàn ngành; từ đó chỉ đạo công chức phụ trách CNTT thường xuyên rà soát để tham mưu lãnh đạo sở ban hành mới, sửa đổi bổ sung và bãi bỏ các cơ chế, chính sách về phát triển CNTT tại đơn vị.
Sở Công thương có 8 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 3 đơn vị trực thuộc sở gồm: Chi cục Quản lý thị trường, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; Trung tâm Tiết kiệm năng lượng. Tổng số máy tính của sở là 186 máy, trong đó có 183 máy kết nối Internet, 3 máy còn lại không kết nối vì lý do an ninh. Cơ quan sở và 3 đơn vị trực thuộc đều có mạng nội bộ (LAN) riêng biệt. 100% công chức, viên chức của sở được cung cấp hộp thư điện tử công vụ tỉnh, thường xuyên truy cập, sử dụng thông tin, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ. |
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Công cho biết: “Để hiện đại hóa hành chính, sở đã tăng cường ứng dụng CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu.
"Cụ thể, sở đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT nội bộ các phòng, đơn vị trực thuộc; thực hiện hoàn thiện trang mạng nội bộ và chương trình quản lý văn bản; tiếp tục đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính".
"Hiện nay, các thủ tục hành chính của sở đều được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử. Việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của sở qua cơ chế một cửa, nhanh chóng, chính xác, không sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”.
Theo đó, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, sở đã tiếp nhận 6.233 hồ sơ, giải quyết trước và đúng hạn 100%. Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 225 hồ sơ, đều là hồ sơ thông báo khuyến mại.
Việc tiếp nhận trực tuyến này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đảm bảo thông báo trước khi thực hiện khuyến mại là 7 ngày làm việc. Sở hiện có 120 thủ tục hành chính công.
Trong đó có 6 thủ tục hành chính công ở mức độ 4, 90 thủ tục ở mức độ 3 và 26 thủ tục ở mức độ 2. Trong năm 2017, sở đã tiếp nhận và xử lý 252 thủ tục hành chính công ở mức độ 4 trên phần mềm Một cửa điện tử.
Tất cả văn bản đến, văn bản đi, sở đều ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành để xử lý. Sở và Chi cục Quản lý thị trường (trực thuộc sở) đã được cấp và đưa vào sử dụng chữ ký số trong việc phát hành các văn bản điện tử.
Bên cạnh đó, sở còn tổ chức tập huấn và triển khai các phần mềm ứng dụng chuyên ngành để phục vụ công việc như: Bảo hiểm xã hội điện tử (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); Hỗ trợ khai thuế qua mạng (Tổng cục Thuế); Kế toán hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính); GIS - phần mềm Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh (Sở Nội vụ). Ngoài ra, Sở Công thương còn tăng cường sử dụng các phần mềm mã nguồn mở tại: Unikey và Mozilla Firefox.
Theo Sở Công thương, trong thời gian tới sở sẽ tiếp tục củng cố, duy trì hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được trang bị tại sở và các đơn vị trực thuộc để đáp ứng tốt việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và điều hành; tăng cường sử dụng và triển khai có hiệu quả, quản lý và điều hành, giao việc và xử lý công việc qua hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo liên thông gửi nhận văn bản điện tử trên hệ thống kết hợp chữ ký số, tiến đến không sử dụng văn bản giấy; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, Sở Công thương còn xây dựng các chuyên mục trên Trang thông tin điện tử: “Hỏi đáp trực tuyến” nhằm tạo kênh trao đổi thông tin, phục vụ người dân và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan của ngành Công thương; đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin, hoạt động của ngành để phục vụ tốt nhu cầu thông tin của người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện, nhanh chóng, dễ dàng và chính xác.
Thực tế vừa qua cho thấy, việc ứng dụng CNTT của Sở Công thương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
P. MAI