.

Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 09:49, 16/11/2018 (GMT+7)

Với vai trò nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ (KH-CN) phục vụ cộng đồng, thời gian qua Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (KT&CNSH) thuộc Sở KH-CN Tiền Giang đã chuyển giao mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho người dân ở nhiều tỉnh đạt hiệu quả cao.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Huỳnh Thanh Tâm.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Huỳnh Thanh Tâm.

Hiện nay, Trung tâm KT&CNSH đã nghiên cứu, tiếp nhận các chuyển giao về khoa học ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong canh tác nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị.

Đặc biệt là ứng dụng công nghệ nhà màng và công nghệ tưới nhỏ giọt trong canh tác dưa lưới. Hiện Trung tâm KT&CNSH đã tư vấn và chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới cho nhiều người dân ở các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Bình Thuận, Thanh Hóa.

Theo đánh giá, việc chăm sóc, bón phân, tưới nước tiết kiệm giúp độ ẩm đất đồng đều và tối ưu; vùng rễ tơi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ; tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng.

Nhờ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nitrate).

Theo Trung tâm KT&CNSH, mặc dù mang hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, nhưng hầu hết các nông hộ nhận chuyển giao đều nắm vững các nội dung về kỹ thuật. Kết quả dưa lưới thu hoạch tại các mô hình đều đạt năng suất cao, tỷ lệ trái đạt loại 1 (trọng lượng trái trung bình từ 1,2 kg trở lên) đạt trên 90%.

Lợi nhuận trung bình tại các mô hình đạt từ 50% trở lên, dao động từ khoảng 10 - 30 triệu đồng/mô hình (tùy vào diện tích và giá dưa lưới tại thời điểm bán). Quy trình canh tác dưa lưới trong nhà màng được người dân đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, khả năng thu hồi vốn nhanh.

Cụ thể, 9 tháng năm 2018, Trung tâm KT&CNSH đã chuyển giao mô hình canh tác dưa lưới tại 2 tỉnh Long An, Thanh Hóa; chuyển giao mô hình canh tác rau ăn lá thủy canh tại tỉnh Thanh Hóa, Tiền Giang.

Đơn cử, mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng với diện tích 1.300 m2 của anh Huỳnh Thanh Tâm (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) được Trung tâm KT&CNSH hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

Đây là vụ thứ 3 anh Tâm trồng dưa lưới trong nhà màng. Theo anh Tâm, điều khó khăn khi trồng dưa lưới trong nhà màng là chi phí đầu tư ban đầu khá cao (nhà màng, hệ thống tưới, cáp treo…, với tổng chi phí 350 triệu đồng/1.300 m2) và yếu tố kỹ thuật.

Song, được sự hỗ trợ của Trung tâm KT&CNSH, anh dần nắm bắt các kỹ thuật và quy trình sản xuất. Vụ đầu tiên, anh thu hoạch được 4,5 tấn dưa lưới, thu lãi 40 triệu đồng; vụ thứ 2 cũng thu hoạch được 4,5 tấn dưa lưới, thu lãi 60 triệu đồng.

Sau 3 vụ canh tác, anh Tâm thu hồi trên 50% vốn đầu tư ban đầu. Trong thời gian tới, anh Tâm sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2.000 m2 trồng dưa lưới trong nhà màng.

Theo kỹ sư Đặng Quốc Trung (Trung tâm KT&CNSH), người hỗ trợ trực tiếp mô hình trồng dưa lưới cho anh Tâm chia sẻ: “Khó khăn trong sản xuất dưa lưới là việc thụ phấn bằng tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ và đồng loạt. Bên cạnh yếu tố môi trường, thời tiết cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất của dưa lưới”.

Hiện tại, Trung tâm KT&CNSH đang tiếp tục chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp người dân nâng cao thu nhập và sản xuất ra sản phẩm an toàn.

M. THÀNH - T. LÂM

.
.
.