Thứ Năm, 28/02/2019, 21:31 (GMT+7)
.

Cơ hội đột phá từ chuyển đổi số

Các chuyên gia công nghệ nhận định, trong xu hướng chuyển đổi số, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ đang đi càng ngày càng nhanh và ảnh hưởng toàn diện, làm biến đổi toàn bộ hoạt động của con người.

Hiện nay các khái niệm “chuyển đổi số”, “đột phá mô hình kinh doanh”, “trở thành doanh nghiệp số” không chỉ là những chủ đề trao đổi trong các diễn dàn kinh tế toàn cầu mà trên thực tế Google, AWS, Apple… và nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới đã triển khai chuyển đổi số. Đây cũng chính là xu hướng và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp công nghệ.

Viettel đã tham gia vào chuyển đổi số một cách mạnh mẽ để tạo ra những giá trị mới. Ảnh: K.THANH
Viettel đã tham gia vào chuyển đổi số một cách mạnh mẽ để tạo ra những giá trị mới. Ảnh: K.THANH

Doanh nghiệp toàn cầu đã tạo ra giá trị

Các chuyên gia công nghệ nhận định, trong xu hướng chuyển đổi số, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ đang đi càng ngày càng nhanh và ảnh hưởng toàn diện, làm biến đổi toàn bộ hoạt động của con người.

Như vậy, doanh nghiệp thực chất đang có sự tách nhóm, trong đó có một nhóm vận hành theo dữ liệu gần thời gian thực và nhóm doanh nghiệp này hơn nhóm khác bởi vượt trội về năng suất lao động, không chỉ làm nhanh hơn, tốt hơn mà còn thỏa mãn những nhu cầu của khách hàng, tăng được doanh thu, giảm chi phí ở quy mô đột phá.

Tiến sĩ Phương Trầm, cựu CIO DuPont (tập đoàn đa ngành trị giá hơn 80 tỷ USD hiện diện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, thuộc nhóm Fortune 500), hiện đang là tư vấn trưởng về chuyển đổi số của FPT, cho rằng gia tăng lợi nhuận vài trăm phần trăm, tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí công nghệ, vận hành hệ thống dữ liệu phức tạp ở mức thời gian thực, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, cá nhân hóa cao độ trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số với quy mô cực lớn và tốc độ cực nhanh… là những giá trị thu được từ chuyển đổi số.

DuPont là một trong những câu chuyện thành công điển hình về chuyển đổi số trên thế giới. Với một cách tiếp cận khác biệt, các chương trình chuyển đổi số của DuPont tạo ra hiệu quả to lớn, điển hình như tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn, giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng; thúc đẩy sự phát triển nhiều công cụ quản trị mới cho các đối tác công nghệ hàng đầu như Microsoft, SAP, AT&T.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của IDG cho các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp và tổ chức có quy mô tỷ USD, 90% các tổ chức và doanh nghiệp trong nhóm này đã có kế hoạch, phát triển và triển khai chuyển đối số; 32% các CIO, quản lý IT khẳng định chính chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận lớn. CIO các tập đoàn lớn trên thế giới đều lựa chọn “chuyển đổi số” nằm trong tốp 3 các vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay.

Doanh nghiệp Việt đang chuyển đổi

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, từ khoảng 8 năm trước, với việc xuất phát từ các công nghệ mới cụ thể là Cloud (đám mây), Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo), Deep learning (học sâu)… thì FPT đã được những tập đoàn lớn trên thế giới chào mời. Đến nay, FPT có khoảng 700 khách hàng toàn cầu, trong đó có 100 khách hàng thuộc nhóm tốp Fortune 500.

Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết, một trong những điều “hài lòng nhất” trong năm 2018 vừa qua là việc VNPT đã bắt tay vào chuyển đổi số một cách quyết liệt, mang lại những hiệu quả rõ ràng. Đây là năm đầu tiên VNPT triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn 2030 (Chiến lược VNPT 4.0).

Theo chiến lược VNPT 4.0, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.

VNPT đã định hướng xây dựng các giải pháp, dịch vụ số theo mô hình hệ sinh thái dựa trên các nền tảng dịch vụ số mà VNPT đang xây dựng như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, nền tảng Chính phủ điện tử, nền tảng tích hợp đô thị thông minh, nền tảng IoT…

Với Viettel, hiện nay mức độ đóng góp của các dịch vụ số của Viettel điển hình là Content, Media, IoT và Fintech đang chuyển dịch theo hướng rất tích cực cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trong tổng doanh thu, năm 2018 đã chiếm tỷ trọng 7,1%.

Thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục xây dựng mô hình doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp dịch vụ số. Viettel cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép Viettel tham gia vào việc phát triển thanh toán số gồm những dịch vụ: Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung; dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử các giá trị nhỏ.

“Để công cuộc chuyển đổi số thành công cần 2 yếu tố quyết định. Đầu tiên là môi trường pháp lý phải đầy đủ và khả thi: Chính phủ nhanh chóng xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở cho các doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số; thiết lập và tăng cường các thể chế, chính sách nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử/Chính phủ số. Yếu tố thứ 2 là hạ tầng viễn thông phải rộng khắp và chất lượng cao.

Bộ TT-TT cần nhanh chóng quy hoạch tần số và cấp phép thử nghiệm mạng 5G, tiến đến triển khai mạng 5G”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, kiến nghị.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.