.

Phương pháp mới giảm thiểu khí CO2 hỗ trợ sản xuất đất hiếm

Cập nhật: 21:23, 25/02/2019 (GMT+7)
Các nhà khoa học của Đại học Công nghệ Michigan, Mỹ, đã công bố phương pháp mới để xử lý hiệu quả khí CO2 với chi phí thấp, đồng thời mở ra hướng phát triển mới liên quan tới vật liệu đất hiếm.
 
Thu lượng khí thải CO2 tại các nhà máy điện là cách thức đầy hứa hẹn để giảm lượng khí phát thải này ra ngoài môi trường, qua đó góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhà máy xả khí thải lên bầu trời ở Broadwater, New South Wales, Australia. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Nhà máy xả khí thải lên bầu trời ở Broadwater, New South Wales, Australia. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tuy nhiên, ngành năng lượng khá dè dặt trong việc áp dụng biện pháp này do chi phí quá lớn cùng nhiều vấn đề liên quan khác.

Nghiên cứu được trình bày ngày 25-2 tại cuộc họp thường niên của Tổ chức Khai mỏ, luyện kim vào thăm dò tại Denver, Mỹ, đã công bố phương pháp mới để xử lý hiệu quả khí CO2 với chi phí thấp, đồng thời mở ra hướng phát triển mới liên quan tới vật liệu đất hiếm.

Theo tài liệu này, các nhà nghiên cứu đã phát triển thành công một thiết bị lọc khí CO2 thế hệ mới có khả năng tách lọc khí phát thải và chuyển hóa chúng thành hợp chất oxalic acid, một loại hóa chất tự nhiên có trong một số loại thực phẩm.

Điểm nổi bật là oxalic acid có thể được sử dụng để lọc các phân tử đất hiếm từ quặng - vốn là thành phần đặc biệt quý hiếm được sử dụng trong sản xuất thiết bị điện tử như điện thoại di động....

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học của Đại học Công nghệ Michigan đã lắp đặt thiết bị lọc khí CO2 ở phần bên trên của bộ phận thải khí tại một cơ sở thử nghiệm chạy bằng năng lượng hơi nước và bơm dung dịch muối soda (natri carbonate) vào phần trên cùng của tháp lọc khí này.

Khí thải theo đường ống thoát lên trên sẽ tiếp xúc với dung dịch muối soda và qua quá trình lọc, phần lớn khí CO2 sẽ được lọc lại trước khi khí thải thoát ra môi trường.

Sau đó, trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học có thể sản xuất oxalic acid từ khí CO2 thu nạp lại này.

Người đứng đầu nghiên cứu S. Komar Kawatra cho biết sau khi đi qua hệ thống lọc khí, lượng CO2 trong khí phát thải đã giảm xuống còn 4% và các chuyên gia đặt mục tiêu giảm chỉ số này xuống dưới 2%.

Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ lọc này không hề tốn kém. Loại muối soda mà nhóm của ông Kawatra sử dụng có giá khoảng 200 USD/tấn, rẻ hơn 100 lần so với phương pháp loại bỏ CO2 bằng chất amine như hiện nay.

Các chuyên gia Đại học Công nghệ Michigan cho biết với công nghệ này, các nhà sản xuất thiết bị điện tử tại Mỹ có thể dễ dàng có được vật liệu đất hiếm sản xuất trong nước, thay thế cho việc phải nhập khẩu khá đắt đỏ và có thể hướng tới xuất khẩu trong tương lai.

Hiện Trung Quốc sản xuất tối thiểu 90% lượng đất hiếm trên toàn thế giới.
 
(Theo TTXVN)
.
.
.