Thứ Ba, 12/03/2019, 14:48 (GMT+7)
.

Hiệu quả ứng dụng máy lọc nước biển trên tàu khai thác xa bờ

Ngư dân hành nghề khai thác hải sản xa bờ luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt cho nhu cầu ăn, uống, tắm, giặt… Để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt của ngư dân trên tàu, các tàu khai thác hải sản xa bờ phải mang theo nước ngọt từ đất liền nhưng không được nhiều dẫn đến thời gian đi biển ngắn.

Trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt giúp cho tàu  đánh bắt hải sản chủ động vươn khơi.
Trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt giúp cho tàu đánh bắt hải sản chủ động vươn khơi.

Để đáp ứng nhu cầu về nước ngọt trên tàu khai thác hải sản cho ngư dân Tiền Giang, trong năm 2017 - 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty SDVICO giới thiệu và triển khai mô hình “Ứng dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt trên tàu khai thác hải sản xa bờ”.

Sau khi triển khai, mô hình đã mang lại nhiều kết quả khả quan, đến cuối năm 2018 toàn tỉnh đã nhân rộng trên 60 máy (mỗi máy/tàu). Với công suất lọc 80 - 150 lít nước ngọt/giờ, mỗi ngày máy lọc này có thể cho ra từ 1 - 2 m3 nước ngọt đủ cho thuyền viên trên tàu sử dụng, thậm chí có dư để cung ứng cho các tàu khác.

Đối với các tàu thu mua, dịch vụ hậu cần, việc trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt giúp cho tàu không phải vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra cung cấp cho các tàu khai thác, nước ngọt được lọc và cung cấp trực tiếp trên biển nên vừa giảm chi phí vận chuyển, vừa đảm bảo chất lượng vệ sinh nguồn nước.

Máy lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng công nghệ lọc nước RO (thẩm thấu ngược) là công nghệ lọc tiên tiến và triệt để nhất hiện nay.

Các khe hở của màng lọc RO có kích thước cỡ 0,001 micromet giống như cơ chế hoạt động của thận người sẽ loại bỏ đến 99,98% các loại chất rắn hòa tan, các vi khuẩn, những phần tử nhỏ và những hợp chất hữu cơ để cho ra nước siêu tinh khiết, đạt tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi uống mà không cần công đoạn nào khác giống như nước đã đun sôi.

Việc ứng dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt trên tàu cá còn giúp cho ngư dân chủ động được nguồn nước ngọt để sử dụng trong suốt các chuyến đi biển dài ngày và yên tâm vươn đến những ngư trường xa.

Không những thế, máy còn có sự tiện lợi là nhỏ gọn, lắp đặt đơn giản, linh hoạt, không làm ảnh hưởng đến không gian của tàu, ít hao tốn điện năng và sử dụng nguồn điện trực tiếp trên tàu; dễ dàng vận hành và bảo trì thiết bị.

Theo anh Hân, một chủ tàu ở TP. Mỹ Tho đã lắp 4 máy lọc nước loại 150 lít nước ngọt/giờ cho 4 tàu thu mua cho biết, từ khi lắp máy lọc nước anh không còn tốn chi phí vận chuyển nước ngọt từ đất liền để cung cấp cho các tàu khai thác, không còn tốn chi phí mua nước bình (loại 20 lít); đồng thời, hạn chế được việc bình bị bể, bị mất do va đập khi vận chuyển, giao nhận trong điều kiện sóng to, gió lớn.

“Tàu của tôi chỉ cần cập tàu, chuyền ống và xả van nước là có thể cung cấp nước ngọt cho tàu bạn nên rất tiện lợi. Mặt khác, giá thành máy cũng không quá cao như các máy nhập khẩu, với giá dao động từ 49 - 64 triệu đồng/máy (tùy thuộc vào công suất lọc nước) phù hợp với điều kiện kinh tế của ngư dân hiện nay” - anh Hân cho biết thêm.

Từ sự tiện lợi trên, sau 2 năm triển khai, TP. Mỹ Tho đã nhân rộng trên 60 mô hình, từ đó cho thấy mô hình ứng dụng máy lọc nước biển thành nước ngọt trên tàu khai thác hải sản xa bờ ở địa phương đã phát huy hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngư dân, đáp ứng được nhu cầu nước ngọt trên biển cho thuyền viên, giúp cải thiện điều kiện làm việc trên tàu.

Việc nhân rộng mô hình trên ở Tiền Giang nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung cũng nhằm từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ, tạo động lực cho các tàu chủ động vươn khơi, bám biển khai thác vừa ổn định đời sống ngư dân, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo nước ta.

HUỲNH VĂN THẢO

.
.
.