Thứ Hai, 08/04/2019, 21:13 (GMT+7)
.

Trồng nấm từ bã thải lá sả sau chiết xuất tinh dầu

Mô hình trồng nấm từ bã thải lá sả sau chiết xuất tinh dầu được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (KT&CNSH) trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chuyển giao tại huyện Tân Phú Đông, góp phần nâng cao giá trị cây sả tại địa phương.

Thu hoạch nấm từ bã thải lá sả sau chiết suất tinh dầu tại huyện Tân Phú Đông.
Thu hoạch nấm từ bã thải lá sả sau chiết suất tinh dầu tại huyện Tân Phú Đông.

Là cây trồng chủ lực ở huyện Tân Phú Đông, hiện toàn huyện có khoảng 1.600 ha trồng sả. Nhằm phát triển bền vững cây sả, huyện Tân Phú Đông đã kêu gọi các nhà đầu tư vào chế biến, sản xuất các sản phẩm thứ cấp như: Tinh dầu sả, nấm ăn, giá thể hữu cơ từ phế phẩm cây sả để giúp người dân nâng cao thu nhập.

Hiện mô hình trồng nấm từ bã thải lá sả sau chiết xuất tinh dầu được Trung tâm KT&CNSH chuyển giao cho vùng trồng sả huyện Tân Phú Đông (Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư - Xây dựng Phúc Nguyên TPĐ).

Mô hình là kết quả của Dự án “Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả tại tỉnh Tiền Giang” thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.

Theo nhân viên hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm KT&CNSH Hồ Vũ Duy, chi phí đầu tư nhà kính trồng nấm với diện tích 72 m2 (13 kệ trồng) khoảng 30 triệu đồng. Trung bình 10 tấn lá sả sau khi chiết xuất tinh dầu thải ra khoảng 10 tấn phế phẩm. Phế phẩm sẽ được dùng làm giá thể trồng nấm và trồng khoảng 30 ngày là có thể thu hoạch. Với quy trình khép kín và đồng bộ, việc trồng nấm bằng mô hình này rất đơn giản và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các phương pháp truyền thống.

Theo ông Nguyễn Văn Gia Pháp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư - Xây dựng Phúc Nguyên TPĐ, mô hình trồng nấm từ bã thải lá sả sau chiết xuất tinh dầu có nhiều ưu điểm do tận dụng được lá sả bỏ đi. Đồng thời, sản phẩm sản xuất ra không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (do trồng sả ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật) cộng thêm chưng cất nhiệt độ cao nên giá thể trồng nấm không còn mầm bệnh. Trung bình sau khi trồng khoảng 1 tháng, 10 tấn bã thải lá sả cho thu hoạch khoảng 1 tấn nấm. Thời gian tới, sau khi kiểm nghiệm, công ty sẽ thực hiện quy trình khép kín tự đóng gói để đưa sản phẩm vào siêu thị cũng như xuất khẩu. Bên cạnh đó, công ty còn cung cấp giá thể trồng dưa lưới, rau thủy canh…, sau đó là phân hữu cơ cho các loại cây trồng khác.

Giám đốc Sở KH&CN Dương Văn Bon cho biết, đây là mô hình góp phần gia tăng giá trị cây sả, mở ra hướng đi mới cho cây sả ở huyện Tân Phú Đông nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung. Đặc biệt, việc ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, sử dụng giá thể bã thải sả sau chiết xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng nấm. Bên cạnh đó, việc tận dụng phế liệu của quá trình sản xuất tinh dầu và nguồn bã thải sau trồng nấm để làm giá thể đất sạch phục vụ trồng hoa, rau sạch đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giúp cải thiện chất lượng đất trồng và hạn chế dịch bệnh.

Cũng theo đồng chí Dương Văn Bon, các sản phẩm như: Tinh dầu, nấm và rau sạch trồng trên giá thể hữu cơ từ bã sả đã tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phục vụ nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng sản xuất với quy mô lớn và ở những khu vực bị nhiễm mặn, đất phèn, đất xấu. Dự án đã bước đầu khẳng định mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà nông trong việc nâng cao chuỗi giá trị cây sả.

M. THÀNH - T. LÂM

.
.
.