Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất cây sả
Thông qua thực hiện dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (Sở KH-CN Tiền Giang) phối hợp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Thương mại đầu tư xây dựng Phúc Nguyên TPĐ bước đầu ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu sả và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phụ phẩm của quá trình sản xuất tinh dầu sả, giúp nâng cao giá trị gia tăng, góp phần quan trọng phát triển bền vững vùng chuyên canh trồng sả tại tỉnh Tiền Giang.
Nấm được trồng trên giá thể bã sả. Ảnh: TUẤN LÂM |
CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG GẮN VỚI NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN XUẤT
Do địa bàn thường xuyên bị nhiễm phèn, mặn nên trước đây, các xã cù lao thuộc huyện Tân Phú Đông mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa với năng suất thấp. Qua nghiên cứu, theo dõi và đánh giá thực tế, địa phương đã xác định sả là cây trồng chủ lực, bởi dễ trồng, thích hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất cao và không cần nhiều nước tưới như các cây trồng khác. Do đó, huyện Tân Phú Đông đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang sả và các loại cây màu có giá trị kinh tế khác.
Theo đó, năm 2015, toàn huyện Tân Phú Đông có 831 ha trồng sả, với năng suất đạt từ 15 - 20 tấn/ha/vụ, lợi nhuận bình quân đạt 75 triệu đồng/ha/năm (gấp 5 lần so với sản xuất lúa). Đến năm 2018, diện tích trồng sả trên địa bàn huyện tiếp tục tăng lên khoảng 1.600 ha. Tuy nhiên, sả được trồng chủ yếu lấy thân để bán, còn lượng lớn lá sả là thải bỏ.
Mặc dù trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp đang tận dụng lá sả để sản xuất tinh dầu, nhưng thiết bị còn thô sơ, công nghệ cũ, vừa tiêu tốn năng lượng, vừa gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất tinh dầu sả còn sử dụng phương pháp chưng cất tinh dầu truyền thống với thời gian kéo dài, tỷ lệ hao hụt cao, hàm lượng tinh dầu thu được thấp (chỉ khoảng 60%), chất lượng tinh dầu không ổn định...
Đặc biệt, nguồn bã sả thải ra trong quá trình sản xuất tinh dầu rất lớn (ước tính 1 ha sả sau khi thu hoạch chế biến tinh dầu thì còn tồn dư khoảng 20 tấn phụ phẩm gồm lá và bã thải sả). Lượng phế phẩm này phần lớn là những hợp chất hữu cơ giàu cacbon và các nguyên tố khoáng đa vi lượng nhưng chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, đây lại là nguồn nguyên liệu lý tưởng để sản xuất chế phẩm hữu cơ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn phụ phẩm có giá trị này, Dự án “Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả tại tỉnh Tiền Giang” được thực hiện với mục tiêu tiếp nhận thành công quy trình tách tinh dầu sả bằng phương pháp sử dụng hơi nước áp lực có nồi hơi riêng.
Dự án đã xây dựng các mô hình sản xuất giá thể và trồng nấm trong nhà. Ảnh: TUẤN LÂM |
Quy trình này cùng lúc có thể phục vụ được cho nhiều thiết bị chưng cất, giúp cải thiện điều kiện làm việc của người dân; đồng thời, cơ khí hóa và tự động hóa các công đoạn sản xuất, khống chế tốt hơn các thông số công nghệ, rút ngắn được thời gian sản xuất, hiệu suất thu hồi cao (trên 8%), đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, mục tiêu của dự án còn tiếp nhận thành công quy trình xử lý bã sả làm cơ chất trồng nấm. Nấm được trồng trên giá thể bã sả được xem là tương đối sạch mầm bệnh do quá trình chiết tinh dầu ở nhiệt độ cao đã tiêu diệt các loại vi trùng, nấm mốc gây hại. Do đó, giảm được chi phí đầu tư, công chăm sóc, công lao động, giúp nâng cao chất lượng nấm và đạt được giá thành cạnh tranh.
Dự án đã xây dựng các mô hình sản xuất giá thể và trồng nấm trong nhà (gồm 5 nhà trồng với quy mô 60 m2/nhà); đồng thời, chuyển giao công nghệ trồng nấm trên giá thể bã sả với quy mô sản xuất 50 tấn nguyên liệu/năm. Bên cạnh đó, dự án còn chuyển giao thành công công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật với công suất 3 tấn/năm để sản xuất giá thể hữu cơ đất sạch phục vụ nhu cầu trồng hoa và rau sạch tại tỉnh Tiền Giang.
Các giá thể hữu cơ đất sạch đã được thử nghiệm để trồng các loại rau quả (cải xanh, cải ngọt, dâu tây, rau muống...) và các loại hoa (hướng dương, vạn thọ, dạ yến...). Ngoài ra, dự án còn tổ chức được 10 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật và trình diễn mô hình cho các kỹ thuật viên và trên 200 lượt người dân về sử dụng thiết bị chưng cất tinh dầu sả, kỹ thuật trồng nấm trên giá thể bã sả, kỹ thuật sản xuất đất sạch và ứng dụng trồng rau - hoa sạch.
HƯỚNG ĐI MỚI GÓP PHẦN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Với diện tích trồng sả lớn, sau khi lấy thân, lượng lá sả sẽ được tận dụng triệt để để sản xuất tinh dầu và bã sả của quá trình chiết xuất lại được tiếp tục tận dụng làm giá thể trồng nấm, sau đó là để sản xuất đất hữu cơ sạch... Qua đó cho thấy, phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng từ cây sả là mô hình rất cần được phát triển nhân rộng.
Đây là mô hình làm gia tăng giá trị cây sả, mở ra một hướng đi mới cho ngành trồng và chế biến sả của huyện Tân Phú Đông nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung. Đặc biệt, việc ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm sử dụng giá thể bã sả sau chiết xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân trồng nấm.
Do giá thu mua lá sả tươi trung bình là 500.000 đồng/tấn (thấp hơn so với mùn cưa là 1.200.000 đồng/tấn và rơm rạ là 900.000 đồng/tấn) nên giá thành sản xuất nấm sẽ giảm, từ đó có thể cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, việc tận dụng phế phẩm của quá trình sản xuất tinh dầu và nguồn bã thải sau trồng nấm để làm giá thể đất sạch phục vụ trồng hoa và rau sạch đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giúp cải thiện chất lượng đất trồng và hạn chế dịch bệnh.
Các sản phẩm tinh dầu, nấm và rau sạch trồng trên giá thể hữu cơ từ bã sả đã tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phục vụ nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển mở rộng sản xuất sả với quy mô lớn hơn ở những khu vực bị nhiễm mặn, tiến tới thành lập vùng chuyên canh sả ở những khu vực thiếu nước, đất ngập mặn, đất phèn, đất xấu.
Việc đưa công nghệ tiên tiến cùng với sự đầu tư bài bản, có sự tham gia hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, doanh nghiệp, sự tư vấn cùng chuyển giao kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu và chuyên gia sẽ giúp người dân tại vùng bị ảnh hưởng của biến đối khí hậu chuyển đổi thành công cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng bài toán thích hợp về công nghệ cần được áp dụng để giải quyết các vấn đề đầu ra cho cây sả và các phế phụ phẩm từ cây sả.
Hiện nay, với sản lượng sả thương phẩm khoảng trên 20.000 tấn/năm, Tân Phú Đông là nơi cung cấp lượng sả lớn nhất tỉnh, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Dự án “Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả tại tỉnh Tiền Giang” bước đầu khẳng định mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà khoa học (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học), doanh nghiệp thương mại (Công ty TNHH Thương mại đầu tư xây dựng Phúc Nguyên TPĐ), nhà quản lý (Sở KH-CN tỉnh Tiền Giang, Chương trình nông thôn - miền núi) và nhà nông (người trồng sả tại địa phương) trong việc nâng cao chuỗi giá trị sản xuất cây sả, tận dụng tối đa nguồn phế phụ liệu nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
TS. LÊ QUANG KHÔI