Thứ Hai, 13/05/2019, 21:24 (GMT+7)
.

TS. Lê Quang Khôi: Nghiên cứu nhiều dự án có tính ứng dụng cao

TS. Lê Quang Khôi, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang (KT&CNSH), Sở Khoa học - Công nghệ là tác giả và đồng tác giả của nhiều dự án khoa học có tính ứng dụng cao trong sản xuất về công nghệ sinh học.

Sau hơn 20 năm miệt mài nghiên cứu, TS. Lê Quang Khôi đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả.

TS. Lê Quang Khôi (bên trái) luôn tận tâm với các dự án nghiên cứu để có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng giúp người dân phát triển kinh tế.                                                                                Ảnh: Tuấn Lâm
TS. Lê Quang Khôi (bên trái) luôn tận tâm với các dự án nghiên cứu để có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng giúp người dân phát triển kinh tế. Ảnh: Tuấn Lâm

CÁI DUYÊN VỚI NGÀNH VI SINH VẬT

Dự án “Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả tại tỉnh Tiền Giang” do TS. Lê Quang Khôi làm chủ nhiệm đang đạt được những kết quả bước đầu sau hơn 2 năm triển khai.

TS. Khôi cho biết: “Đây là dự án tôi tâm đắc khi có thể áp dụng công nghệ để nâng cao giá trị cây sả của vùng đất còn nhiều khó khăn Tân Phú Đông. Mô hình nghiên cứu sử dụng bã thải lá sả để trồng nấm ngoài mục đích kinh tế, còn bổ sung thêm một nguyên liệu mới để trồng nấm.

Huyện Tân Phú Đông với diện tích trồng sả lớn có tiềm năng phát triển nghề trồng nấm bằng bã thải lá sả. Tôi và anh em trung tâm đã tập trung nghiên cứu thực hiện để sớm đưa dự án vào thực tế, giúp người dân nâng cao thu nhập từ trồng cây sả”.

Với những cống hiến của mình trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, TS. Lê Quang Khôi đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Trung ương, UBND tỉnh. Đặc biệt, TS. Khôi là 1 trong 4 điển hình tiên tiến của tỉnh tham dự Lễ Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017.

Hiện tại, Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư - Xây dựng Phúc Nguyên (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) tiếp nhận công nghệ từ dự án để đưa vào sản xuất thực tế.

Ông Nguyễn Anh Gia Pháp, Giám đốc Công ty Thương mại - Đầu tư - Xây dựng Phúc Nguyên cho biết: “Dự án này rất thiết thực và phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Mỗi tấn bã thải lá sả sau hơn 1 tháng trồng cho thu hoạch 100 kg nấm. Trong suốt quá trình thực hiện, TS. Khôi và các cán bộ của trung tâm luôn theo sát từng công đoạn và nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật khi Công ty có yêu cầu”.

Dự án trên là một trong hàng chục công trình, dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất của TS. Khôi trong suốt 20 năm qua.

Dù là tác giả hoặc đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao, nhưng ít ai biết rằng, công nghệ sinh học không phải là ngành học mà TS. Khôi chọn khi chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, mà ngành học này “đã chọn” anh như cơ duyên được định đặt từ trước.

Khi được hỏi về cơ duyên ấy, TS. Khôi cười: “Như những bạn bè cùng thời, năm 1993, tôi chọn thi tuyển đại học ở khối B (Toán, Hóa học, Sinh học) với mong muốn đậu vào Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, tôi đã không thể thực hiện được dự định của mình do không đủ điểm chuẩn. Đến năm 1994, tôi tiếp tục đăng ký thi tuyển vào Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn thiếu 0,5 điểm.

Không đậu nên tôi quyết định theo học ngành công nghệ sinh học tại Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Tôi và ngành này “kết đôi” với nhau từ lúc ấy cho đến tận bây giờ”.

TS. Lê Quang Khôi là tác giả và đồng tác giả của nhiều dự án có tính ứng dụng cao trong sản xuất nông nghiệp như: Áp dụng các giải pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp nhằm phát triển vùng xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính; Ứng dụng các chủng vi sinh có ích trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; Nghiên cứu cấy mô thực vật tạo giống tốt…

TẬN TÂM VỚI CÁC DỰ ÁN NGHIÊN CỨU

Dù không chọn trước, nhưng TS. Khôi đã gắn bó với lĩnh vực công nghệ sinh học suốt hơn 20 năm qua với nhiều công trình lớn nhỏ mang tính ứng dụng cao.

Năm 1999, khi mới vào làm việc tại Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học - công nghệ tỉnh Tiền Giang, anh được phân công thực hiện dự án nghiên cứu đầu tiên về ứng dụng chế phẩm vi sinh vật EM vào xử lý mùi hôi trong chăn nuôi.

Do là người tiên phong nghiên cứu chế phẩm vi sinh vật EM có nguồn gốc từ Nhật Bản này nên anh gặp không ít khó khăn do có nhiều bỡ ngỡ.

Với quyết tâm thực hiện thành công dự án đầu tay, anh đã thu thập, nghiên cứu tư liệu để bổ sung kiến thức thực hiện dự án của mình. Qua quá trình thực hiện, anh ngày càng bị lôi cuốn về tính ứng dụng của dự án.

TS. Khôi chia sẻ: “Lúc đầu, dự án của tôi được ứng dụng thí điểm ở các trại chăn nuôi gà tại xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho). Trong lần đầu tiên triển khai thực tiễn, nhiều người dân không cho phun chế phẩm lên gà do sợ các chủng vi sinh vật không an toàn. Do đó, tôi đã tự uống chế phẩm để chứng minh tính an toàn của sản phẩm cho người dân an tâm sử dụng”.

Sau 6 năm nghiên cứu, dự án đầu tay của TS. Khôi được ứng dụng rộng rãi mang lại hiệu quả cao. Dự án là nền tảng để sản xuất các sản phẩm xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, rác thải nên được nhiều hộ chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng.

Nhiều dự án nghiên cứu của TS. Khôi gắn liền với sản xuất nông nghiệp của tỉnh và nhu cầu của người dân. Trong đó, nổi bật là Dự án Nâng cao chất lượng nấm rơm và triển khai các loại nấm ăn mới.

Theo TS. Khôi, việc mang nấm rơm từ ngoài đồng vào trồng ở trong nhà là mong muốn của nông dân để có thể tiết kiệm được không gian, hạn chế mầm bệnh và tiết kiệm kinh phí.

Trước nhu cầu đó, anh cứ trăn trở phải làm sao tìm được giải pháp để xử lý nguyên liệu và tạo ra giống nấm ổn định về năng suất và giá trị kinh tế.

Bắt tay vào thực hiện, anh nhận được giống nấm chuyển giao từ Trung tâm Công nghệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để nghiên cứu thực hiện nuôi cấy mô tạo giống nấm mới thích hợp với nhu cầu của người dân.

Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, năm 2006, anh đã hoàn thành và bắt đầu chuyển giao công nghệ trồng nấm trong nhà đến nông dân.

Nghiên cứu của TS. Khôi đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn tỉnh, với các loại nấm mới như: Nấm mèo, bào ngư, linh chi… mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Đến năm 2015, TS. Khôi chuyển công tác về Trung tâm KT-CN&SH. Dù là Giám đốc trung tâm với nhiều công việc về quản lý, điều hành nhưng anh vẫn tham gia các dự án nghiên cứu mới của các anh em trong cơ quan để truyền ngọn lửa nhiệt huyết nghiên cứu khoa học của mình đến với các bạn trẻ.

Anh tranh thủ tận dụng thời gian sau giờ làm và ngày nghỉ cuối tuần để cùng với anh em trong trung tâm trực tiếp đến khảo nghiệm, kiểm tra các dự án đang được triển khai hoặc hỗ trợ kỹ thuật nuôi, trồng cho nông dân áp dụng mô hình mới vào sản xuất.

TS. Khôi tâm sự: “Khi bắt tay vào nghiên cứu một dự án, tôi thường tập trung hết sức để làm cho đến khi xong mới thôi. Tôi nghĩ rằng mình phải làm thật tốt để tạo ra sản phẩm chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất khi áp dụng vào thực tế.

Do cùng với anh em làm thêm ngoài giờ và ngày nghỉ nên thời gian dành cho gia đình không nhiều, nhưng đổi lại tôi nhận được niềm vui khi thấy sản phẩm của mình đạt hiệu quả, góp phần hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế”.     

CAO THẮNG

.
.
Liên kết hữu ích
.