Doanh nghiệp thích ứng với công nghiệp 4.0
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách cho người lao động tốt hơn để đáp ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
1. Công ty TNHH Thực nghiệp Dệt Kang Na Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang) thành lập vào năm 2013, có vốn đầu tư 100% từ Trung Quốc. Ông Lương Diệc Tá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực nghiệp Dệt Kang Na Việt Nam cho biết, hưởng ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi đầu tư vào Việt Nam, công ty sớm áp dụng máy móc, thiết bị công nghệ cao và cơ chế quản lý.
Công nhân Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken vận hành các thiết bị trên máy tính. |
Tất cả đều đạt tiêu chuẩn cao hơn mức tiêu chuẩn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang khởi xướng hiện nay. Lúc mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển công nhân (CN), do tiêu chuẩn tuyển dụng là CN phải có trình độ từ lớp 12 trở lên và được đào tạo tín chỉ bảo trì máy móc, có kinh nghiệm.
Do CN còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm nên công ty đã lập kế hoạch mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo nghề. Sau đó, CN mới được đưa lên chuyền để sản xuất, vận hành. Trước khi vào làm việc, công ty sẽ đào tạo cho CN khoảng 2 tháng về cách vận hành máy móc, thiết bị do toàn bộ máy móc của công ty đều là những thiết bị công nghệ cao. Trên cơ sở đó, đến nay số CN đã lên tới khoảng 580 người đảm bảo yêu cầu sản xuất và vận hành máy móc, thiết bị.
“Trong năm 2019, công ty đã mở rộng thêm nhà xưởng, dự kiến tháng 12-2019 toàn bộ dự án trên diện tích 12 ha sẽ được lấp đầy với kinh phí đầu tư bao gồm vốn lưu động, máy móc, thiết bị, kinh phí đầu tư xây dựng nhà xưởng… khoảng 25 triệu USD. Sau khi hoàn thành, công ty sẽ nâng tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án là 100 triệu USD và số lượng lao động tại công ty sẽ tăng thêm 5%”- ông Tá cho biết thêm.
Sau nhiều năm đầu tư dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị, đến nay Công ty cổ phần Dược phẩm Tiền Giang (Tipharco) đã được chứng nhận doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN).
Ông Phạm Quang Bình, Tổng Giám đốc Tipharco cho biết, để được công nhận là doanh nghiệp KH-CN, công ty nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều từ Sở KH-CN. Đây là tiền đề đã giúp công ty tiếp cận được nguồn vốn vay 10 tỷ đồng từ Quỹ Phát triển KH-CN để đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong sản xuất là mục tiêu mà Tipharco luôn hướng đến.
2. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc dần thay thế sức lao động của con người, do đó người lao động cần phải có trình độ kỹ thuật cao. Để đáp ứng yêu cầu này, tổ chức Công đoàn đã xây dựng kế hoạch đào tạo, hỗ trợ người lao động, giúp công nhân nâng cao tinh thần, thái độ làm việc chuyên nghiệp hơn.
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Thực nghiệp Dệt Kang Na Việt Nam cho biết, trong công ty toàn bộ đều sử dụng máy móc, chỉ những vị trí nào cần CN mới bố trí CN. Giai đoạn 2, nhà máy đang có kế hoạch sử dụng máy móc có chức năng cao hơn. Để đảm bảo quyền lợi cho CN, tổ chức Công đoàn sẽ hướng dẫn, hỗ trợ CN bằng cách mở lớp đào tạo khoảng 6 tháng/lần và phối hợp với người sử dụng lao động thi sát hạch để nâng cao trình độ tay nghề cho CN.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn còn tích cực tuyên truyền cho người lao động hiểu được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ, máy móc trong sản xuất, kinh doanh. Nếu CN không nắm bắt được công nghệ mới thì sẽ bị thay thế, đào thải. Khi đó, người lao động cần phải thay đổi thái độ, tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm…
Chị Mai Thị Hương, công nhân Công ty TNHH Thực nghiệp Dệt Kang Na Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang ý thức được tự bản thân mỗi người phải nỗ lực và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ tay nghề, học thêm ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Hoa… để có thể hiểu về nguyên lý hoạt động của máy móc và vận hành máy móc. Song song đó, để đáp ứng yêu cầu mới, tôi sẽ tích cực tham gia các buổi đào tạo do tổ chức Công đoàn phối hợp cùng Ban Giám đốc công ty tổ chức”.
Còn theo ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal (Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh), hiện tại công ty có hơn 500 công nhân, lao động sản xuất. Do đặc thù là công ty sản xuất công nghệ nên công ty đã áp dụng công nghệ 4.0 từ lâu.
“Với nhiệm vụ vừa là Chủ tịch Công đoàn vừa phụ trách mảng hành chính, tôi thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo cho công nhân, lao động theo tháng, quý nhằm nâng cao tay nghề. Ngoài ra, khi công ty có nhập những máy móc công nghệ mới, công ty đều tổ chức đào tạo cho công nhân, lao động nắm các kiến thức vận hành máy móc, để không bị tụt lại phía sau” - ông Tân cho biết thêm.
LÝ OANH