.

Di động thương hiệu Việt "xuất ngoại"

Cập nhật: 22:01, 11/07/2019 (GMT+7)
Những chiếc điện thoại di động thương hiệu Việt của Bkav, VinSmart (thuộc Vingroup) đã giới thiệu và mở bán ở thị trường Myanmar,  xa hơn đến tận Tây Ban Nha, mở đường vào châu Âu. Trong chuyến mở đường ra thế giới này còn có Mobiistar, một thương hiệu Việt cũng góp mặt tại thị trường Ấn Độ. 
 
Nỗ lực tìm kiếm thị trường
 
“Chúng tôi có mặt tại Myanmar với Bphone 3 vì muốn cung cấp dòng điện thoại cao cấp với những tính năng có thể sánh ngang các sản phẩm chủ lực của đối thủ cạnh tranh, nhưng lại có mức giá rất tốt. Dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng đi kèm với những gói cước hấp dẫn nhờ sự hợp tác giữa Bkav và mạng di động Mytel. Đó là lý do Bphone sẽ phù hợp với nhu cầu và sở thích khác nhau của khách hàng Myanmar”, ông Lê Quang Hiệp, Tổng giám đốc Bkav Myanmar, phát biểu như vậy khi Bphone của Bkav ra mắt thị trường Myanmar vào hôm 4-7-2019.
 
a
Bên trong nhà máy sản xuất điện thoại di động của VinSmart
Ngay sau lễ ra mắt, cả Bphone 3 và Bphone 3 Pro đã sẵn sàng trên kệ tại gần 100 cửa hàng trên toàn quốc tại Myanmar, với giá bán 499.000MMK (tương đương 7,7 triệu VND) cho Bphone 3 và 699.000 MMK (tương đương 10,8 triệu VND) cho Bphone 3 Pro. Bkav cho biết, hãng đã dành 6 tháng liên tục làm việc với các đối tác địa phương để bản địa hóa sản phẩm, đào tạo nhân viên và xây dựng quy trình hỗ trợ dành riêng cho khách hàng Myanmar.
 
Ngày 29-5-2019, Công ty VinSmart đã công bố ra mắt thương hiệu và sản phẩm Vsmart tại Myanmar. Đối tác phân phối sản phẩm Vsmart là Công ty Strong Source. Theo đó, các sản phẩm Vsmart sẽ được phân phối thông qua gần 1.500 cửa hàng của nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng và kinh doanh đa ngành số 1 tại Myanmar.
 
Qua Strong Source, Vsmart đồng thời hợp tác với 2 nhà bán lẻ lớn (phân phối trực tiếp và trực tuyến) tại Myanmar là Mytel (Viettel) và Shop.com.mm (Alibaba). Trong giai đoạn 1, Vsmart phân phối 4 mẫu điện thoại thông minh tại thị trường Myanmar là Joy1, Joy1+, Active 1 và Active 1+, với giá bán từ 2,6 triệu đồng đến gần 6 triệu đồng theo tiền Việt Nam, tùy loại.
 
Trước đó, ngày 20-3, Công ty VinSmart đã ra mắt thương hiệu và sản phẩm Vsmart tại Tây Ban Nha. Cũng với 4 sản phẩn nói trên, các sản phẩm Vsmart sẽ được phân phối qua chuỗi gần 90 cửa hàng của Công ty MediaMarkt, nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng số 1 châu Âu. Tại sự kiện này, theo bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó Tổng giám đốc Marketing Công ty VinSmart, Tây Ban Nha là thị trường nước ngoài đầu tiên của Vsmart, cửa ngõ vươn ra thị trường châu  Âu. 
 
Trước đó, Mobiistar, một thương hiệu điện thoại di động Việt, đã “xuất ngoại” sang thị trường Ấn Độ, sau hơn 10 năm có mặt ở thị trường Việt Nam. Ngày 23-5-2018, thương hiệu Mobiistar chính thức gia nhập thị trường Ấn Độ với sự kiện ra mắt dòng điện thoại chuyên Selfie của hãng - Mobiistar XQ Dual and CQ. Trong bước đầu thâm nhập thị trường Ấn Độ, Mobiistar đã ký kết hợp tác dài hạn với trang thương mại điện tử Flipkart để phân phối cả 2 sản phẩm thuộc dòng Star Selfie - XQ Dual và CQ.
 
Nhìn vào thực lực
 
Sau một tháng tham gia vào thị trường Ấn Độ, ông Ngô Nguyên Kha, CEO Mobiistar, cho biết có “hàng chục ngàn” người đã mua sản phẩm của Mobiistar. Sau 9 tháng triển khai, Mobiistar đã ra mắt tới 9 mẫu smartphone tại Ấn Độ, có mặt ở 1.000 cửa hàng bán lẻ. Đến tháng 1-2019, sản phẩm của Mobiistar có sẵn tại hơn 37.000 cửa hàng bán lẻ thuộc 475 thành phố và thị trấn ở 27 tiểu bang, cho thấy sự khởi sắc của thương hiệu Mobiistar ở xứ người. 
 
Nhưng đến nay, ông Ngô Nguyên Kha đã về “ẩn mình” tại Việt Nam, Mobiistar đã sụp đổ hoàn toàn ở Ấn Độ và cũng đang “chết lâm sàng” ngay tại quê nhà Việt Nam! Theo lý giải của ông Ngô Nguyên Kha, tại thị trường Ấn Độ, thương hiệu Mobiistar được nhượng quyền kinh doanh cho MBS India, là công ty do V-Sun đầu tư. Mobiistar đồng ý cấp phép cho MBS India sử dụng thương hiệu của mình, các quy trình và vận hành mô hình kinh doanh, không bỏ vốn góp và sở hữu cổ phần. Nhưng vào tháng 9-2019, V-Sun bị mất thanh khoản, phải nộp đơn phá sản ở Trung Quốc, không còn khả năng đầu tư cho hoạt động kinh doanh thương hiệu Mobiistar ở Ấn Độ. Đến đây mới vỡ lẻ, đối tác của Mobiistar ở Ấn Độ là V-Sun, vốn là công ty ở Trung Quốc không đủ mạnh về tiềm lực tài chính nên đã sụp quá nhanh, kéo theo cái chết của Mobiistar.
 
Mang sản phẩm di động thương hiệu Việt “xuất ngoại” là rất tự hào, phấn khởi! Song rất cần nhìn vào thực lực. Những chiếc di động của Vsmart được đầu tư bài bản, từ xây dựng nhà máy đến chiến lược dài hơi là thiết kế, đầu tư con người, công nghệ và cả một hệ sinh thái vây quanh, như thành lập viện AI, xây nhà máy mới ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, liên kết với các hãng nước ngoài nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G… nên đã đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng, không thể không nhìn ngược lại, vì sản phẩm vốn chưa phải đa dạng, không nổi trội và đang chỉ chiếm thị phần khiêm tốn trong nước so với các thương hiệu khác trên thế giới.
 
Còn Bphone đang khó khăn ở năng lực sản xuất và đang loay hoay tìm kiếm đầu tư cho sản phẩm thế hệ tiếp theo, nên việc mang di động thương hiệu Việt này sang Myanmar cũng có thể nói là cách làm hình ảnh. Hay nói cách khác, di động thương hiệu Việt đi nước ngoài, hãy nhìn vào thực lực của chính mình, hãy làm chủ thị trường nơi mình sinh ra rồi khi ấy có “xuất ngoại” vẫn đủ tự tin. Và, bài học từ thương hiệu Mobiistar là một minh chứng điển hình.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.